29/6/15

HIỂU ĐÚNG VỀ ĐẠO PHẬT


Phần 1:  Đức Phật và Phật Pháp

Từ 500 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, có một Hoàng Tử trẻ đã mở ra một con đường. Ngài đã trải qua đau đớn và khổ ải để đạt tới Niết Bàn. Niềm hạnh phúc vĩnh hằng mà con người ước vọng đạt tới.

(Thái tử Tất Đạt Đa và Hoàng Hậu Maya)


Cậu bé được đặt tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha) nghĩa là “Thực hiện được mọi mơ ước”. Nhưng Hoàng Hậu Maya lâm bệnh và từ trần vài ngày sau khi sinh nở. Tất Đạt Đa được người dì nuôi dưỡng.

   Hoàng gia mời các đạo sĩ Bà La môn đến, và sau đó, một nhà tiên tri đã dự đoán về tương lai của đứa trẻ. Theo truyền thuyết, nhà tiên tri thấy trên cơ thể của Thái tử xuất hiện các tướng tốt lành của bậc vĩ nhân bao gồm cả dấu hình bánh xe trong lòng bàn chân của Ngài. Theo truyền thuyết, Đức Phật sinh ra có 32 tướng tốt của bậc vĩ nhân. Những dấu hiệu này chỉ xuất hiện trên 2 loại người: Thứ nhất là thủ lĩnh về Tôn giáo và thứ 2 là Đại Đế thống trị thế giới.

Đức Vua Tịnh Phạn vô cùng sung sướng với ý tưởng con trai của mình sẽ trở thành một thủ lãnh vĩ đại. Do đó, nhà vua vô cùng chiều chuộng con trai, để ngăn ngừa Thái Tử nhìn thấy những điều khiến cậu rẽ sang con đường Tôn Giáo. Mọi người biết về dấu hiệu này đều biết Tất Đạt Đa là xuất chúng – đặc biệt là Tịnh Phạn Vương. Nhưng nhà vua quan sát sự trưởng thành của con trai nhỏ tuổi, ham hiểu biết và lo lắng về các lời tiên tri: “Một ngày nào đó Thái Tử sẽ từ bỏ hoàng cung và trở thành một nhà Lãnh đạo Tôn Giáo, chứ không trở thành thủ lĩnh của Bộ Tộc Thích Ca”.

Khi Tất Đạt Đa trưởng thành, nhà vua cực kỳ mừng vui thấy tài năng tuyệt vời của Hoàng Tử trong các môn: Đánh kiếm, Đấu vật và Bắn cung. Nhưng đồng thời nhà vua cũng thấy Hoàng Tử có tư tưởng sâu sắc và cực kỳ ham hiểu biết. Hoàng Tử dường như luôn ham muốn tìm hiểu bản chất của thế giới chung quanh chớ không phải con đường binh nghiệp, mà đối với một vị vua – đây là điều tối cần thiết! Hoàng Tử trẻ Tất Đạt Đa phải học nếu muốn cầm đầu các chiến binh. Tất Đạt Đa được kỳ vọng trở thành vị vua tương lai, người bảo vệ Ca Tỳ La Vệ, một trong những thành phố đầu tiên ở vùng Bắc Ấn.
   Khi 9 tuổi, nhà vua cho phép Hoàng Tử ra ngoài tham gia lễ hội Cày Ruộng thường niên. Hoàng Tử đã tham gia rất háo hức. Cảm nhận đầu tiên về thực tại của cậu về thế giới bên ngoài, đã mở ra cho Tất Đạt Đa một cái nhìn mới về thế giới và đã trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời của cậu.

Người ta kể lại rằng Hoàng Tử đã xem một người dân đang cày. Nhìn thấy công việc cực nhọc và nỗ lực cứ lặp đi, lặp lại, những thứ mà Ngài không bao giờ nhìn thấy trong cung điện. Ngài quyết định thoát khỏi Lễ Hội và đứng một mình.
Ấn tượng đầu tiên về cuộc sống thực sự đã tác động mạnh mẽ đến Hoàng Tử. Đối với người khác, đây có thể là một Lễ Hội, nhưng đối với Tất Đạt Đa, nó là biểu tượng của một thứ hoàn toàn khác. Hoàng Tử để tâm trí mình rơi vào trạng thái lặng ngắm. Hoàng Tử quan sát cái cày khi nó cắt, xới đất, và chú ý thấy chim chóc tới ăn các con côn trùng vừa mới chui từ mặt đất lên. Ngài tự hỏi tại sao chúng sinh lại phải chịu khổ đau. Nếu người nông dân không cày, con chim sẽ không ăn được côn trùng. Hoàng Tử thấy rằng mọi thứ đều có liên hệ với nhau và mọi hành động đều có Nhân Quả. Quan sát đơn giản này dẫn đến một trụ cột trong giáo lý của Người: NGHIỆP (Karma).

Khi Tâm Thái Tử tập trung vào những tư tưởng sâu sắc. Hoàng Tử thả mình vào trạng thái xuất thần hay Nhập Định, một trạng thái tinh thần mà sẽ trở thành bước đầu tiên của Người trên con đường Giác Ngộ. Người ngồi dưới bóng cây và tập trung đến cái cày đang cày xới trên mặt đất. Truyền thuyết nói rằng lúc đó Hoàng Tử tự nhiên tiến vào cảnh giới Thiền định gọi là Sơ Thiền. Trạng thái này rất hân hoan và Hạnh Phúc, và sau này Hoàng Tử lại sẽ sử dụng nó trên con đường tâm linh của mình. (Mối quan hệ của Thiền trong Phật Giáo là tập trung vào một thứ gì đó để tạo ra cảm giác thanh bình. Có thể đó là ý tưởng của Từ Bi hay các con côn trùng bị giết khi cày trên mặt đất..).

Hành vi của Hoàng Tử trẻ làm đảo lộn mọi chủ định của nhà vua. Theo Bà La Môn (Tôn Giáo chính tại thời kỳ đó), con phải nối nghiệp cha. Quan điểm của nhà Vua Tịnh Phạn cũng thế, cố gắng bảo vệ Hoàng Tử trước bất kỳ khổ đau nào. Và bây giờ, nguyên nhân để thực hiện điều này là có một lời tiên tri rằng: Hoàng Tử hoặc sẽ trở thành một Đại Đế, hoặc sẽ trở thành người Xuất Gia và đạt được sự Giác Ngộ. Dĩ nhiên, nhà vua muốn Hoàng Tử kế tục mình trở thành một vị Vua!
Khi tất Đạt Đa lớn lên, Vua Tịnh Phạn cố gắng tìm mọi cách để giữ Hoàng Tử ở bên trong cung điện. Nhà Vua tạo ra quanh Hoàng Tử một môi trường sống tuyệt hảo và đầy cám dỗ. Ngoài địa vị Thái tử, Tất Đạt Đa còn có những nàng hầu tuyệt đẹp, để Hoàng Tử chìm đắm trong nhạc nhã và sắc đẹp.


(Hoàng Tử luôn chiến thắng trong các cuộc thi)


Khi Tất Đạt Đa tròn 16 tuổi, Vua Cha tìm cho Ngài một người vợ xinh đẹp. Công Chúa Da Du Đà La (Yhshudhara). Tất Đạt Đa phải tham gia tranh tài để cầu hôn nàng, và Nhà Vua rất vui mừng khi thấy con trai tài giỏi là người chiến thắng. Nhà Vua bắt đầu tự thuyết phục rằng cuộc sống trong cung cuối cùng cũng đã phù hợp với Hoàng Tử. Nhưng đó chỉ là mong muốn của Nhà Vua mà thôi, và Tất Đạt Đa năn nỉ Vua Cha cho phép đi vi hành. Không thể từ chối mong muốn của con lâu hơn nữa, Nhà Vua tuyệt vọng ra lệnh dọn sạch hết những gì chướng mắt trong khu vực phụ cận Hoàng Cung. Giống như trong một bộ phim Hollywood. Những người ốm đau, nghèo khổ, già cả được dọn sạch khỏi thế giới lý tưởng của Hoàng Tử trẻ tuổi.

Mặc cho những nỗ lực của Vua Cha, nếm trải đầu tiên của Tất Đạt Đa về thế giới bên ngoài sẽ hé lộ ra thực tế khắc nghiệt.
   Ngây thơ như một đứa trẻ, Ngài ra đi cùng với Xa Nặc (Chana), người đánh xe của Ngài đóng vai trò là người dẫn đường. Hoàng Tử sẽ thực hiện 4 cuộc du lãm và nhìn thấy 4 dấu hiệu được dự đoán trước bởi những thầy bói của Hoàng Gia.
Các Kinh sách Phật Giáo Nguyên Thủy đều đề cao mức độ quan trọng của thời điểm lịch sử này, vì mỗi cuộc hành trình sẽ mở ra cho Tất Đạt Đa một khía cạnh của cuộc sống đã bị cố tình che dấu trước mắt Ngài.

Trong chuyến du hành đầu tiên, Ngài nhận thấy một cụ già khó nhọc lê bước trên đường làng. Ngài hỏi Xa Nặc về chuyện xảy ra với cụ già, và Xa Nặc giải thích cho Ngài về quá trình lão hóa của con người. Tất Đạt Đa được cảnh tỉnh khi Ngài học được rằng “Lão” là không thể tránh khỏi và xảy ra với tất cả con người. Đối với Tất Đạt Đa, thực tế đã bắt đầu vén màn bức tranh khắc nghiệt về thế giới, nơi bất hạnh và đau khổ xuất hiện để thống trị mọi khía cạnh của cuộc sống.
Dấu hiệu thứ hai xuất hiện ngay kế tiếp. Khi Tất Đạt Đa nhận thấy một người Bệnh, cơ thể tàn tạ vì bị bệnh tật hành hạ. Ngài hỏi Xa Nặc rằng liệu có phải ai cũng có thể bị Bệnh không? Và Ngài lại bị chấn động lần nữa khi Ngài biết sự thật phũ phàng rằng: Tất cả chúng ta đều có thể bị ‘Bệnh”. Bức tường bảo vệ giả tạo quanh Ngài bắt đầu tan vỡ. Càng khám phá Ngài càng nhận ra bi kịch của cuộc sống.
Giờ đây Ngài thấy một người vừa chết quấn trong tấm vải liệm được mang đến giàn thiêu, và chuyện kể rằng Hoàng Tử kinh hoàng khi khám phá ra rằng: Không những con người không thoát khỏi “Tử” , mà theo tín ngưỡng Bà La môn (Brahamin), sau khi chết đi, tất cả chúng ta đều được tái sinh để chịu đau đớn và chết đi hết lần này đến lần khác, dường như không có kết thúc, và không có giải pháp cho vòng quay (luân hồi) vô tận này.

Cuộc đời Đức Phật là một biểu tượng bởi vì điểm mấu chốt là: Ngài là một thanh niên có cuộc sống vuơng giả và Ngài nhận ra điều đó không đủ bởi vì Ngài bị chấn động mạnh. Ngài bị chấn động mạnh bởi lần đầu tiên trong đời Ngài gặp phải Lão, Bệnh, và Tử. Có vẻ không hợp lý khi một thanh niên có trí tuệ sáng láng được nuôi dạy cẩn thận, nhưng Ngài lại không biết gì về điều đó. Điều này có vẻ như là để truyền đạt ấn tượng ghê gớm về việc đối mặt với những vấn đề cơ bản của sự tồn tại của con người, đã và đang chi phối chúng ta và vấn đề cấp bách là chúng ta phải làm điều gì đó.

Nhưng dấu hiệu thứ tư mới là dấu hiệu chỉ ra tương lai của Tất Đạt Đa: Một người với tấm vải quấn quanh cơ thể cấm chiếc bát khất thực trước mặt Ngài. “Tại sao ai đó lại muốn từ bỏ những lạc thú trên đời này để đi lang thang khắp đất nước làm nghề khất thực (ăn xin)?” - Hoàng Tử trẻ tuổi hỏi. Xa Nặc giải thích rằng người đàn ông này đã từ bỏ những lạc thú đó để đối mặt với thực tế và tìm kiếm câu trả lời cho sự tồn tại khổ đau này.

(Tạm biệt con thơ và người vợ trẻ)
  
Khi Tất Đạt Đa quay lại Hoàng Cung sau chuyến du hành. Trí óc Ngài đang quay cuồng với sự hiểu biết mới mẻ về thế giới. Hoa trái chung quanh Ngài sẽ thối rữa và tàn úa. Ngay cả những bức tường của cung điện rồi cũng có ngày sụp đổ. Công Chúa Da Du Đà La vừa sinh cho Ngài một đứa trẻ xinh đẹp, nhưng rồi họ cũng sẽ già đi, ốm yếu và chết! Đây là những điều không thể tránh khỏi. Ngài đã học được ý nghĩa của sự Vô Thường và nhìn thấy điều này ở mọi thứ xung quanh. Tất Đạt Đa biết rằng Ngài phải rời bỏ gia đình để đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đang thiêu đốt bên trong Ngài, dù cho việc đó có nghĩa là phải bỏ rơi người vợ trẻ đẹp và đứa con mới sinh. Trái với truyền thống của gia đình và tôn giáo Bà La Môn, Tất Đạt Đa bỏ nhà để đi tìm câu trả lời của riêng Ngài về sự đau khổ của cuộc sống.

Truyện kể rằng trên dòng sông Anoma, Ngài đã cởi bỏ đồ trang sức, đổi bộ quần áo xa hoa lấy bộ đồ của kẻ hành khất (ăn mày) và cắt đi mái tóc dài. Ngài yêu cầu Xa Nặc mang chúng quay trở về cung điện.
   Tất Đạt Đa lần đầu tiên chỉ có một mình. Cuối cùng Ngài đã trốn khỏi thế giới giả tạo của đời sống Hoàng Cung, nơi thống khổ đã bị quét sạch khỏi tầm mắt. Giờ đây Ngài phải đối mặt với thực tế. Liệu Ngài có tìm được một giải pháp cho nỗi đau khổ của sự tồn tại? Tất Đạt Đa phải đối mặt với việc chịu đựng nỗi thống khổ ở một mức độ mà Ngài chưa bao giờ thấy khi Ngài đi đến các Thành phố và trong đó có những con người bị ném ra cùng một chỗ, khi mà dịch bệnh và đói khổ gia tăng.

Có một số người cho rằng đây là một sự khởi đầu cụ thể cho sự quan tâm của Đức Phật đến nỗi đau khổ. Nó nhấn mạnh những vấn đề chung mà loài người ở bất cứ xã hội nào cũng gặp phải. Tất Đạt Đa nhận ra rằng nếu Ngài muốn tìm câu trả lời cho sự đau khổ chung quanh Ngài, Ngài sẽ phải đương đầu với tôn giáo Bà La môn mà mọi người đều theo. Những gì người Bà La Môn có, là Tri Thức Thần Thánh. Tri Thức Thần Thánh này tập trung vào những kinh sách có tên là Kinh Vệ Đà.
Từ Vệ Đà, bản thân nó có nghĩa là Tri Thức, và ngụ ý ở đây là chỉ có tri thức là tài sản thật sự có giá trị. Với Tri Thức Thần Thánh, các Thầy Bà La Môn nhìn thấu mọi giai đoạn của cuộc sống từ khi sinh ra cho đến khi chết. Nhưng tri thức của họ chỉ được truyền thụ lại cho những người con trai của họ. Vị trí của các gia tộc Bà La Môn luôn được đảm bảo cho đến khi sau một làn sóng các nhà hiền triết mới bắt đầu thách thức nó. Đó là lúc đạo Brahamisn tiền thân của đạo Hindu được đưa ra để tranh cãi. Nó giống như thời của các nhà Triết học cổ như Plato và Socrates ở Hy Lạp cổ.
Mọi người tranh luận với nhau và Đức Phật cố gắng mở một con đường đi ngang qua đó. Ngài mô tả hoản cảnh lúc đó như một mớ hỗn độn của các quan điểm. Một rừng quan điểm. Khi Tất Đạt Đa khám phá khu rừng này, Ngài nhận ra rằng giải pháp cho sự đau khổ của cuộc sống phải khả dụng cho tất cả mọi người hơn là cho một thiểu số. Giống như truyền thống Bà La Môn, Đức Phật đồng tình với những người Bà La Môn, và Ngài nói rằng: “Con người không trở thành Bà La Môn từ khi mới ra đời, mà họ trở thành người Bà La môn bằng cách sống tốt. Con người không trở thành kẻ bị xã hội ruồng bỏ từ khi mới ra đời, mà họ trở thành kẻ bị xã hội ruồng bỏ khi sống không tốt”.
Quả là một suy nghĩ quan trọng và tuyệt diệu. Giống như trong xã hội, chúng ta nói rằng một quý ông đích thực không phải là một người sinh ra trong một gia đình gia thế, mà là người cư xử đứng đắn.


Tất Đạt Đa đi xa hơn trong quá trình tìm kiếm của Ngài về phía Bắc Ấn. Ngài tìm kiếm một lối khác để vượt qua nỗi thống khổ xung quanh. Ngài quan tâm đến tất cả những tư tưởng Triết Học mới, nhưng Ngài muốn tiến xa hơn, vươn tới nơi thẳm sâu trong tâm hồn. Ngài quyết định tập trung vào kỹ thuật Thiền Định và đi tìm những bậc Thầy hàng đầu của thời đó.

Có hai loại Thiền định phổ biến ở Ấn Độ cổ bao gồm: Đặt bản thân dưới nhiều loại áp lực khác nhau bằng cách kiểm soát sự hít thở hoặc thỉnh thoảng nhịn ăn. Hoặc trải qua các hình thái hành xác khác, mục đích là thực sự đạt được cái mà chúng ta gọi là “các trạng thái biến đổi của ý thức”, và họ nghĩ rằng họ đã đạt được đến những tầng rất cao trong vũ trụ.
Họ không đề cập đến vấn đề này theo nghĩa đen, không phải là họ nghĩ rằng họ ở cách 5.000 feet so với mặt đất. Nói như vậy có nghĩa là họ cho rằng không có mặt phẳng cụ thể, càng trở nên trừu tượng hơn những thứ như là mặt phẳng vô tận của không gian, và nó được kế tiếp bởi mặt phẳng ý thức vô tận như ta có. Và rồi mặt phẳng vô tận của hư vô, đó là những thứ mà chắc chắn Đức Phật đã học được từ những người Thầy của Ngài.
  
( Thời kỳ tu khổ hạnh )


Truyền thuyết kể rằng Tất Đạt Đa cực kỳ xuất sắc trong việc Thiền định, và Ngài đã thu hút được 5 môn đồ và các thầy của Ngài đã đề nghị Ngài ở lại và tiếp quản trường học. Nhưng Tất Đạt Đa quyết định rằng chỉ riêng việc thực hiện Thiền định không phải là câu trả lời cho sự đau khổ và tái sinh hay đầu thai. Ngài bắt đầu thử nghiệm các kỹ thuật khác, lần này tập trung vào cơ thể. Vì vậy Ngài thử phương pháp khác là tu Khổ Hạnh. Điều này bao gồm nhịn ăn, không tắm rửa. Thiền định khi nín thở một lúc lâu và đây là một phương pháp ức chế cao độ. Các thầy tu Khổ Hạnh có thể nhịn đói, hoặc thậm chí chặt đi các bộ phận trên cơ thể. Đối với họ, xác thịt là rào cản cho sự tự do tinh thần. Bằng cách chia cắt sự gắn liền của họ với cơ thể, họ sẽ làm trong sạch trí óc và giải phóng tâm hồn. Tất Đạt Đa cố gắng đạt được trạng thái tự do này. Ngài đã nhịn ăn quá lâu. Mạng sống của Ngài như chỉ mành treo chuông .
“Tay chân ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt dây leo khô héo. Bàn trôn của ta trở thành như móng chân con lạc đà. Xương sống của ta phô bày giống như một chuỗi banh. Các xương sườn gầy mòn của ta giống như một cột nhà sàn hư nát. Con ngươi long lanh của ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một cái giếng nước thâm sâu. Da đầu của ta trở thành nhăn nheo, khô cằn như trái bí trắng và đắng, bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo khô cằn...”.

Và truyện kể rằng trong giai đoạn này Ngài đã sống bằng cách ăn một hạt vừng mỗi ngày. Ngài thực hành việc nhịn đói cho đến chết. Khi Tất Đạt Đa sắp sửa chết đói, một cô gái trẻ đã cứu sống bằng cách cúng dường một bát cơm trộn sữa. Giờ đây Ngài nhận ra rằng nếu tiếp tục nhịn ăn, Ngài sẽ chết đi mà chẳng đạt được thành tựu gì. và nhận ra rằng rèn luyện cơ thể bằng sự hy sinh cao độ và bắt cơ thể phải chịu những đau đớn không thể là cách giải quyết được vấn đề.
Khi 5 môn đồ của Ngài nhìn thấy Tất Đạt Đa từ bỏ việc nhịn ăn, họ mất lòng tin nơi Ngài. Họ không còn tin Ngài có sức mạnh để vượt qua chướng ngại về tinh thần và bỏ rơi Ngài. Ngài cảm thấy rằng mình đã thử những gì được yêu cầu. Chúng không có tác dụng, và tại giai đoạn này, Ngài nhớ lại trạng thái Thiền định mà Ngài đã vô tình đạt được dưới thời niên thiếu, và Ngài nghĩ rằng có lẽ đó chính là con đường đưa đến sự Giác Ngộ, vì nó không làm tăng dục vọng, mà nó vô cùng hân hoan và hạnh phúc.

Tình cờ Tất Đạt Đa ngang qua một nhạc sĩ đang chỉnh dây cho cây đàn Sitar. Khi dây quá căng thì đàn không thể chơi được. Khi dây chặt quá thì tiếng phát ra sẽ giật cục. Ở đâu đó quãng giữa sẽ là hòa âm du dương, Tất Đạt Đa nhận ra rằng quan sát đơn giản này báo hiệu điều gì đó cực kỳ quan trọng. Đó là con đường trung dung sẽ dẫn Ngài đến trạng thái của ý thức mà Ngài đang tìm kiếm, tới trạng thái hòa âm du dương – Sự Giác Ngộ. Nhưng làm sao để đạt được điều đó? Và cách thức cuối cùng Đức Phật sử dụng là cách có thể gọi là sự quan tâm hay tỉnh thức về cơ thể, không phải là bỏ qua hay cố gắng áp chế nó. Đó là một cách trung dung.

Con đường “Trung Dung” dẫn Tất Đạt Đa đi qua vùng thôn quê. Ngài đã đi du hành trong suốt 6 năm. Ngài đã trải nghiệm sự đau đớn và nỗi thống khổ và mở rộng giới hạn tri thức của mình. Nhưng Ngài vẫn chưa tìm thấy sự an bình nội tại và sự tiến hóa mà Ngài đang tìm kiếm: Trạng thái trí tuệ tuyệt đối và hạnh phúc mãi mãi được biết với cái tên Giác Ngộ.
Tất Đạt Đa đến Bodh Gaya. Ở nơi đây, cuộc hành xác của Ngài sẽ kết thúc. Ngài ngồi dưới một cái cây và lập thệ sẽ không rời khỏi chỗ cho tới khi đạt tới Giác Ngộ: “Cho dù có thịt nát, xương tan ta cũng sẽ không rời khỏi nơi này cho tới khi ta tìm ra con đường đi tới Giác Ngộ”.

(Con quỷ của sự Ham muốn, Thù hận... không chiến thắng được Ngài)


Ngài không còn phải trải qua đau khổ nữa. Ngài không chịu đựng bất kỳ đau đớn thể xác nào nữa. Ngài nghĩ rằng: “Cuộc sống này đã đủ đau khổ lắm rồi. Giờ ta hãy suy gẫm trong tĩnh lặng về vạn vật, nghĩ về cách thức mà cuộc sống đang vận động”. Ngài bắt đầu tập trung tâm trí bẳng cách chú ý đến hơi thở, chậm rãi hít vào và thở ra, cảm giác thanh tịnh trong thân thể, xung quanh chóp mũi và dần dẫn tâm trí tới sự thanh tịnh, tĩnh lặng, tập trung, thanh sạch.
Suy nghĩ của Tất Đạt Đa giờ đây tập trung đến mức Ngài có thể đi vào những vùng sâu thẳm nhất của tiềm thức mình. Giờ đây Ngài sẽ đối mặt với nỗi đau khổ cuối cùng và lớn nhất của mình. Con quỷ Mara, chúa tể của bản ngã (Cái Tôi), và ảo tưởng đã xuất hiện truớc Ngài. Nó có thể tạo ra mọi điều khủng khiếp nhất trong tâm thức của Tất Đạt đa. Cần phải nhớ rằng con quỷ Mara này không giống như quỷ Satăng của Thiên Chúa giáo, vì nó không phải là kẻ chuyên đi cám dỗ và cũng không giống chút gì với Chúa Trời, mà nó hoàn toàn chỉ là một động lực tâm lý ẩn trong mỗi chúng ta.
Mara đã thả cả bầy quỷ dữ tấn công Tất Đạt Đa. Chúng phóng những mũi tên cháy bỏng vào Ngài, nhưng mới được nửa tầm thì Tất Đạt Đa đã biến chúng thành những đóa Sen nhẹ nhàng buông xuống quanh Ngài. Thất bại, Mara lại cố gắng dùng những cô con gái quyến rũ của mình nhằm cám dỗ Tất Đạt Đa. Ma vương tấn công Tất Đạt Đa là hiện thân của Cái Chết và Dục Vọng. Giống như lý thuyết của Freud, ham muốn chính là Cái Chết, và Cái Chết cũng là Ham Muốn. Thực ra ma vương đã đưa ra 3 đứa con gái của mình, chúng là Say mê, Nhục dục và Thù hận đều xấu xa như nhau cả. Nếu người ta né tránh chúng và cho rằng chúng là ghê tởm, người ta sẽ là nô lệ của chúng, và Ngài có thể hoàn toàn điềm tĩnh và lãnh đạm. Ngài nhìn chúng mà không hề bị thu hút hay ghê tởm. Khuôn mặt các con gái của Mara dần nhòa đi trước con mắt của Tất Đạt Đa và sau đó chúng tan vào lòng đất. Thực tế, ta có thể nói Đức Phật đã ngộ ra rằng Mara là một phần của Ngài. Toàn bộ quá trình nhận thức này chính là sự Giác Ngộ của Ngài.
Trần gian rung chuyển khi Ngài xua đuổi ma quỷ. Tất Đạt Đa lúc bấy giờ đã 35 tuổi, đã trải qua Tứ thiền để đạt tới sự Giác Ngộ và trở thành Đức Phật hay Đấng Giác Ngộ. Ngài đã Thiền Định 49 ngày dưới gốc cây Bồ Đề trong trạng thái hạnh phúc viên mãn đó. Đây là trạng thái mà tâm thức đạt tới độ tinh tế, thuần khiết và nhạy bén đến khó tin. Tâm thức lúc này có thể ví như mặt nước hồ hoàn toàn tĩnh lặng, thậm chí có thể nhìn rõ con bọ trên bề mặt. Vì thế, điều này được xem là một trạng thái mà tâm trí rất sáng suốt, một dụng cụ rất nhạy bén.
Trong trạng thái hợp nhất cao độ này, Đức Phật đã nhìn thấu con đường Giải Thoát khỏi vòng Luân Hồi của SINH, LÃO, BỆNH, TỬ. Ngài nhận ra rằng nếu con người từ bỏ đươc những dục vọng xấu thì có thể từ bỏ được bất mãn và đau khổ ra khỏi cuộc sống. Nguyên nhân chính của khổ đau và những thất vọng trong cuộc đời chính là ham muốn thèm khát. Luôn có sự bất cân xứng giữa những điều chúng ta mong muốn và thực tế.

Sự minh triết mà Đức Phật tìm ra dưới gốc cây Bồ Đề đã khai sinh nên Đạo Phật, một tôn giáo mà ngày nay có tới 400 triệu người theo. Đức Phật đã tổng hợp những hiểu biết của Ngài trong Tứ diệu đế. Đó là nền tảng cho toàn bộ đức tin của Đạo Phật.
Diệu đế đầu tiên mà ta nhận thức được: Đời là bể Khổ.
Cái thứ hai là xác định được nguyên nhân của sự Đau Khổ. Đó chính là ham muốn.
Trong cái thứ ba, tựa như một thầy thuốc, Đức Phật chỉ ra rằng có một cách trừ bỏ sự ham muốn, và trong “đế” cuối cùng, Ngài đưa ra cách trừ bỏ căn bệnh này và đạt tới sự Giác Ngộ hay cõi Niết Bàn. Mục đích cuối cùng là đạt tới trạng thái tâm thức hoàn toàn dứt bỏ sự Thèm Khát, Sự Ngu Dốt, Lòng Tham, Sự Thù Hận và Ảo Tưởng. Do đó, Giải Thoát khỏi tất cả những nghiệp chướng luân hồi.

Sau đó Đức Phật giảng về GIỚI, ĐỊNH, TUỆ là những nấc thang quan trọng trên con đường tiến đến Giác Ngộ. Ngài sử dụng phần đời còn lại để giúp những người khác theo con đường ấy tới sự Giải Thoát khỏi Khổ Đau .
Do những người theo Ngài ngày càng đông nên Ngài đã quyết định xây dựng nên một ngôi trường hay còn gọi là Tăng Đoàn. Ngày nay, một ngôi chùa đã mọc lên ở cạnh cái cây nơi Đức Phật đã Giác Ngộ. Các nhà Sư ở đây trở thành thư viện sống về giáo huấn của Phật. Việc tụng Kinh dưới chính gốc cây Bồ Đề này được các Phật tử cho là rất có ích cho việc tu tập. Sư trụ trì chịu trách nhiệm duy trì truyền thống của ngôi chùa.
Việc quan trọng nhất là thực hành lời dạy của Ngài. “Tu tập chăm chỉ, tỉnh thức hơn nữa”. Giờ đây chúng ta có thể diễn giải Phật Giáo bằng 4 từ: Tu tập tỉnh thức. Con đường Giác Ngộ bắt đầu bằng việc tập trung tâm trí và làm theo một số lời răn dạy: GIỚI, ĐỊNH, TUỆ. Đức Phật đã thiết lập cách sống này ở Tăng Đoàn đầu tiên của Ngài.


( Trở lại Hoàng Cung )


Sau 8 năm, Ngài quay trở về hoàng cung với gia đình mà Ngài đã từ bỏ. Lúc này Vua Cha đã tha thứ cho Ngài nỗi đau mà Ngài gây ra. Giờ đây Vua Tịnh Phạn đã nhận ra tầm quan trọng của những điều mà con trai Ngài tìm kiếm, thậm chí kế mẫu của đức Phật đã xin gia nhập Tăng Đoàn và bà đã trở thành nữ tu sĩ đầu tiên trong lịch sử. Đạo Phật đã được ủng hộ trong con mắt của tất cả các tín đồ Phật Giáo thậm chí cả về việc Ngài từ bỏ vợ con để dấn thân vào cuộc hành trình đơn độc để cố gắng tìm ra giải pháp cho những vấn đề của cuộc sống và cách thức nên sống ra sao, và với Ngài, nên sống như thế nào là một câu hỏi thật sự quan trọng hơn nhiều so với việc có bất kỳ của cải nào hay thậm chí là người bạn đời.
Đức Phật một lần nữa từ bỏ gia đình. Ngài ra đi giảng đạo trong vòng 40 năm, truyền cho các đệ tử của Ngài Trí Tuệ mà Ngài đã đạt được dưới gốc Bồ Đề. Nhưng trước khi ra đi, Ngài đã nhận con trai mình vào Tăng Đoàn làm một tu sĩ. Đạo Phật đã khuyến khích các đệ tử của mình sống cùng nhau trong một Tăng xá nhằm giúp họ tập trung vào con đường Giác Ngộ.

Các tu sĩ đến từ nhiều nơi cùng sống trong các tăng xá được xây dựng quanh ngôi chùa dưới gốc Bồ Đề. Những người không phải là tu sĩ, những đệ tử tục gia cũng đến đây để học hỏi.
“Các nhà sư phải sống độc thân và từ bỏ mọi ham muốn cá nhân, và đó là một phần của khóa tu tập để trừ bỏ những khuynh hướng cá nhân, những khuynh hướng chỉ nghĩ đến bản thân và hoàn toàn đặt mình vào cuộc sống của Tăng Đoàn. Sau khi chấp nhận mọi từ bỏ này, việc tu tập mới thực sự bắt đầu.
Trải qua hàng thế kỷ, những lời rao giảng của Ngài đã mở rộng thành các dòng phái khác nhau với những kiến giải và cách tu tập của riêng từng dòng. Nhưng Đức Phật đã dạy rằng những người bình thường cũng có thể đi theo con đường đạt tới hạnh phúc bất diệt và trí tuệ tối thượng.

Phần lớn những người Phương Tây không thích Đạo Phật vì tách rời cuộc sống đời thường, họ chỉ quan tâm đến việc tu tập Thiền Định như một cách thức giúp nâng cao hiệu quả cuộc sống và đó cũng là một trường hợp mà những lời dạy của Đức Phật trở nên một dạng khác vì nó đã trở thành một phương pháp phát triển bản thân một cách quả quyết, những áp lực trong cuộc sống, một cách làm rõ ra những mục tiêu và đối tượng mà ta cần đạt tới. Thiền trong Phật Giáo đặc biệt hấp dẫn nhiều người phương Tây.


(Tất Đạt Đa)


Tất cả chúng ta đôi lúc cũng thoáng nhận ra phép màu và sự thần bí trong khoảnh khắc, và Thiền Định giúp chúng ta cảm nhận được điều này thường xuyên hơn. Thiền Định giúp ta thêm điềm tĩnh và tự chủ được tâm trí của mình. Chúng ta có thể tạo nên những điều kiện cho phép chúng ta tiến tới nhận thức về sự tương thuộc về Vô thường và cõi Niết Bàn.
Một số trường phái Phật Giáo tin rằng Đức Phật là một siêu nhân, một người thần kỳ, như các vị thần và có thể thực hiện phép thuật. Những người khác lại cho rằng Ngài cũng là một con người bình thường và họ tin rằng điều này càng làm những thông điệp của Ngài có giá trị. Nhưng chắc chắn rằng Đức Phật đã mong muốn người đời nhớ đến Ngài như một con người cũng có những nhược điểm. Người ta nói rằng trước khi mất, Ngài đã nhập định để đi vào Niết Bàn, chốn hạnh phúc vĩnh hằng, thoát khỏi đau khổ và cái chết.

Một Hội Đồng đã được lập nên để ghi lại cho hậu thế những lời giáo huấn của Đức Phật. Các thế hệ Tăng Sĩ đã học thuộc những lời này và truyền lại cho những đời sau qua hàng thế kỷ. thi hài của Đức Phật được hỏa táng và Xá Lợi của Ngài được bảo quản... (Cuộc đời Đức Phật - BBC)


(Các bạn đón đọc Phần 2: Mê tín trong Phật Giáo hay sự dối lừa trong những ngôi chùa. Với những bài viết:
-         Vì sao bây giờ sư chẳng ăn kiêng?
-         Dâng sao có giải được hạn?
-         Siêu thoát đi về đâu?
-         Chúng sinh là gì? Có nên cúng chúng sinh?
-         Di cung, hoán số, đáng tin hay chỉ là trò lừa bịp?

-         ...vv........

2 nhận xét:

Minh Khiêm nói...

Thầy ơi, kính mong Thầy thứ lỗi ạ! Chỉ sau khi Thầy hạn chế em mới tỉnh ngộ ra những ngu muội của mình. Em đã xóa tất cả vì lỗi này. Thầy giúp em với được không ạ? Em sẽ truyền bá những kiến thức này rộng hơn nữa. Cám ơn Thầy!

Unknown nói...

Chào bạn Minh Khiêm:
Bạn muốn nói gì vậy? lão không hiểu lắm.
Bạn muốn lão giúp gì? lão luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người vô điều kiện. Bạn liên hệ với lão qua email nhé.
Chúc bạn luôn bình an, nhiều may mắn.