30/5/14

THIỀN – NĂNG LƯỢNG CHỮA BỆNH


Thiền là gì?

Nếu bạn vào Google và gõ câu hỏi Thiền là gì? Thì thôi rồi, bạn sẽ lạc vào cơ man nào  những sự giải thích, trùng điệp như sóng, lớp sau xô lớp trước... đem lại cho ta một mớ những sự rối rắm, khó hiểu. Một sự cao siêu được diễn tả bởi những bộ óc tưởng chừng như thông thái. Khiến cho Thiền, một thứ vốn dĩ tự nhiên đã trở nên khó hiểu và phức tạp. Mà đôi khi sự khó hiểu đó không phải nằm ở bản chất vấn để, bản chất của Thiền, mà lại do người giải thích tạo ra. Người ta cứ nói Thiền là không thể diễn đạt, là không thể nghĩ bàn, bất khả tư nghì, tri giả bất ngôn...  Lạ nhỉ, cứ nói, cứ viết tràng giang đại hải, người ta cứ phải đọc, phải nghe mãi, in thành sách bán lấy tiền rồi cuối cùng lại kết luận biết thì không thể nói được, không thể diễn đạt... đi đứng nằm ngồi cũng có thể là thiền, thiền có thể là mọi lúc, mọi nơi, là kết già nhập định, là siêu tâm thức... phải chăng là họ đang chơi khăm chúng ta?



(“Mãi đi về phía mặt trời – Bẵng quên cái bóng rối bời sau ta)


Vậy là khi chưa tìm hiểu, chúng ta chưa biết thế nào là Thiền. Nhưng khi tìm hiểu rồi chúng ta lại thấy Thiền trở thành một... nỗi băn khoăn. Và rồi cuối cùng ta cũng chẳng thể hiểu thế nào là Thiền, chẳng phân biệt được đâu là Thiền định, thế nào là Thiền quán, Thiền minh sát, Thiền tông, Thiền Đông Độ, Thiền đốn ngộ, hay Thiền của Phật giáo..vv...

Nếu là một Thiền sư thực sự có trải nghiệm về Thiền thì họ sẽ dùng lời lẽ bình dị, mộc mạc để cho ta hiểu, cũng như thời Đức Phật tại thế Ngài đã dùng ngôn ngữ của giới bình dân để nói về Thiền. Nhưng những người như thế, các ngài lại đi đâu hết, hiếm khi lên mạng, hiếm khi viết. Không có duyên khó gặp được thầy tu là bởi vậy, chỉ gặp toàn thầy chùa với thầy tụng mà thôi.

Và cũng không biết từ khi nào, ai đó đã từng nói với ta, hay tự ta nghĩ thế. Thiền là một cái gì đó không bình thường, không phải là thứ  phổ biến trong đời sống, là trọc đầu, là áo nâu trầm mặc... Vô tình điều đó cũng trở thành một chướng ngại khiến ta khó có thể biết thế nào là Thiền. Chỉ đến khi nào đó, có thể là do bệnh tật, do gặp phải nhiều biến cố, do cuộc đời không may mắn, chúng ta mới chợt nghĩ, mới thử tìm đến Thiền như một giải pháp. Một giải pháp mà lúc đầu ta cũng nghĩ là siêu hình, siêu tưởng..  Nhưng rồi đến đâu? Gặp ai? Liệu Thiền có hợp với mình không? Làm thế nào để có thể Thiền được? Mãi vẫn cứ là một câu hỏi không lời đáp.

Không phải thế, và cũng không nên như thế. Sự thực, Thiền không phải là chỉ dành cho một số người, một nhóm người, hay một trường phái nào đó. Bởi Thiền luôn có ích cho tất cả mọi người.

Bản chất của Thiền không phải là một tôn giáo, nó là một khoa học. Nhiều ngàn năm, trước khi Phật giáo ra đời thì đã có Thiền. Thiền là một phương tiện hữu hiệu mà nhiều tôn giáo, nhiều phương pháp tập luyện đã sử dụng để nhằm đạt được mục đích và nhiều sự tốt đẹp.
Thiền chẳng phải là cửa Phật, là tu hành, là của một tông phái hay pháp môn nào cả, và cũng chẳng phải là một sự huyền bí nào đó.
Thiền là một khoa học về cơ thể con người, là cánh cửa mà khi mở ra chúng ta có thể bước vào bên trong bản thân, bước vào thế giới nội tâm của mình.
Thế giới bên trong, bên trong cơ thể chúng ta không chỉ là bộ xương, bộ xương thì chẳng nói lên điều gì. Còn có Tâm trí với những cảm xúc buồn, vui, yêu, ghét... Còn có Nội tâm để cảm nhận cuộc đời bình an hay bất an, hạnh phúc hay bất hạnh. Còn có những mạch nguồn tươi trẻ bất tận chảy không ngừng. Có những khả năng diệu kỳ và những điều huyền bí tiềm ẩn chưa được đánh thức.



(Đời thì rộng, mơ thì xa – Không ta mướp vẫn nở hoa đúng mùa)


Nhiều năm qua, chúng ta đã sống với suy nghĩ rằng, những niềm vui, hay nỗi buồn, yêu thương hay giận dữ đều do cuộc sống mang lại. Điều này hoàn toàn sai. Những cảm xúc, tình cảm của con người chẳng bao giờ đến từ bên ngoài, mà nó đến từ bên trong. Chính bản thân chúng ta đã tạo nên những cảm xúc đó cho mình. Để rồi trong cuộc hành trình của một người kiếm tìm hạnh phúc chúng ta đã đi sai hướng.
     Người nam nghĩ rằng niềm vui có thể đến từ nơi quán xá, từ những cuộc vui chơi tưởng chừng như bất tận. Người nữ nghĩ rằng hạnh phúc đến khi có một tình yêu, niềm vui có khi tụ họp bạn bè..vv... Và cũng có người nghĩ rằng danh vọng tiền tài có thể đem lại niềm vui, hạnh phúc. Nhưng rồi khi cuộc nhậu tàn canh, những cuộc gặp gỡ kết thúc, tình yêu ít đi, danh vọng không còn, hoặc những sự việc đem đến niềm vui đã trôi qua, thì ngay lập tức chúng ta lại quay trở về với túp lều và cái máng sứt mẻ của mình. Cơ thể vẫn bệnh tật, tư tưởng vẫn muộn phiền và cuộc đời vẫn không như ý muốn.
Đó chỉ là những thú vui, hạnh phúc nhất thời, bất chợt mà thôi, do hoàn cảnh mang lại, nên khi hoàn cảnh thay đổi thì chúng sẽ thay đổi, chúng đến từ bên ngoài mà không phải từ bên trong. Đó không phải là phúc lạc vô biên và hạnh phúc vĩnh cữu, là đích đến của một người trên hành trình tìm kiếm.

Cuộc đời mỗi con người trung bình khoảng 70 năm, không dài cũng không ngắn. Nhưng chúng ta đã mất khoảng 1/3 quỹ thời gian đó cho việc ngủ, cũng mất chừng ấy thời gian cho công việc mưu sinh, mất khoảng 10 năm cho việc ăn uống và hoạt động cá nhân; Mất khoảng 15 năm cho việc chạy theo những cảm xúc vui buồn, thất vọng, lo toan đến từ đời sống, mất 5 năm cho phim Hàn quốc và những giải trí trên truyền hình..vv... Ta chẳng còn chút thời gian nào cho bản thân mình cả.
Có người nói rằng trong suốt 70 năm đó, nếu chúng ta dành được khoảng 7 phút cho bản thân mình thôi thì chúng ta đã trở nên một hiền giả. Nếu chúng ta có những phút giây, mà những phút giây đó không phải dành cho việc ngủ, không dành cho công việc, không dành cho những muộn phiền và lo toan, không dành cho suy nghĩ hay chạy theo những cảm xúc, không dành cho ngày mai hay quá khứ, mà có thể dành cho bản thân mình. Những thời  khắc mà cơ thể có thể tận hưởng niềm vui sướng, sự thảnh thơi thấm sâu trong tận tế bào, sự yên bình sâu sắc đến từ trong nội tại. Chỉ 7 phút thôi chúng ta đã trở thành một hiền giả, thật vậy chăng?
Thiền sẽ giúp chúng ta làm được điều đó, Thiền giúp chúng ta trở về với chính mình. Thiền giúp chúng ta dành lại thời gian cho cơ thể, cuộc sống cho bản thân, và những niềm vui, hạnh phúc bất tận đến từ bên trong.

Thiền sẽ làm cho tâm bình, trí huệ, thân thể khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được sự an vui, yên bình trong một đời sống nhiều hạnh phúc. Cho dù đó là đời sống của một tu sĩ, một nông phu, một doanh gia, hay một thường dân áo vải.

Bất cứ một môn phái nào, tôn giáo nào muốn đạt được sự đổi thay của cơ thể, những sự màu nhiệm và những điều huyền diệu mà cơ thể con người có thể đạt tới, thì không thể không dùng đến môn khoa học về thân thể, về nội tâm và đó chính là Thiền.

Bởi vậy ngày nay hầu như chúng ta bắt gặp, cho dù ở phương pháp tập luyện nào, ở đâu người ta cũng đều sử dụng đến Thiền. Thiền trong Yoga, thiền trong Khí công, Thiền trong võ thuật, Thiền trong các tôn giáo như Phật giáo, Đạo giáo, Thiền tông, Mật tông..vv...
Tùy vào mục đích, nhu cầu mà phương pháp thực hành Thiền sẽ có ít nhiều những sự khác biệt. Nhưng bản chất của Thiền thì vẫn không hề thay đổi. Đó là một khoa học, không thuộc về một tôn giáo, trường phái nào cả. Lão sẽ có nhiều bài viết về những phương pháp Thiền của những tôn giáo, những môn phái khác nhau để bạn hiểu hơn, nhưng đó là chuyện của ngày mai, không phải bây giờ.



(Mắt ai rớt xuống sân chùa – Ngẩn ngơ chú tiểu phải bùa heo may...”)


Mục đích, mong muốn hiện tại của chúng ta thì sao? Thiền để trở thành một tu sĩ khổ hạnh chăng? Hay Thiền để trở thành một vị thầy chùa chẳng phải làm gì mà vẫn có cuộc sống ung dung? Hay để trở thành một vị Phật ?. Hoặc trở nên những người có khả năng đặc biệt, siêu phàm khiến cho thiên hạ phải ngưỡng mộ? Lão không  nghĩ vậy. Đơn giản lão và bạn, chúng ta chỉ muốn có một cơ thể khỏe mạnh, bớt đi những bệnh tật, và để cho tâm trí không còn căng thẳng, mệt mỏi, có khi là khổ đau. Từ đó chúng ta có thể yêu thương bản thân mình, yêu thương những người thân, gia đình bạn bè và yêu thương đời sống của mình hơn.
Chúng ta đang sống với những sợi dây của óc não đã quá căng thẳng, và nó có thể bị đứt; những rối loạn, những bất thường về suy nghĩ khiến cho ta mệt mỏi. Chúng ta đang sống với những sợi dây của trái tim hơi bị chùng quá, khiến nó chẳng thể phát ra sự yêu thương, trìu mến, mà đôi khi chỉ là những sự tổn thương. Chúng ta đang sống với một cơ thể bị hao hụt về năng lượng sống, sức khỏe không tốt theo một nghĩa nào đó, hay có thể là bệnh tật, bệnh nan y.
          Những sợi dây của óc não của chúng ta cần được chùng đi một chút, và những sợi dây của trái tim cần phải được căng hơn, rồi năng lượng sống cần phải được tuôn chảy vào cơ thể. Khi những sợi dây đàn của cơ thể không quá chùng và cũng không quá căng, kết hợp trong một cơ thể hài hòa, thì âm nhạc của đời sống mới có thể vang lên. Đó là chính là phương pháp mà lão và bạn sẽ làm. Phương pháp Thiền - Năng lượng chữa bệnh. Một phương pháp Thiền giúp ta có thể đi từ não tới tim, và từ tim tới rốn. Từ đó kết nối được với nguồn năng lượng sống và thế giới tâm linh của mình. (Để hiểu hơn, bạn hãy đọc bài: “Về với yêu thương”).
Và đó cũng là tinh thần chủ đạo mà lão muốn gửi đến bạn qua trang blog này, Lão cũng muốn bạn hiểu Thiền, cảm nhận Thiền và thực hành Thiền theo một cách khác, một cách tự nhiên hơn và thực tế hơn. Một cách đúng với bản chất mà ai cũng có thể làm, đem lại lợi ích thiết thực cho cơ thể, bản thân và đời sống hiện tại.

Chúng ta thường sống với một sự không hài lòng về bản thân, về cơ thể của mình ở một mức độ nào đó. Khi chúng ta không thành công trong đời sống chúng ta bị ám ảnh một phần lỗi do bản thân ta, số phận của ta. Khi chúng ta bệnh tật chúng ta nghĩ một phần cũng do cơ thể của mình gây nên và ít nhiều chúng ta cũng không ưa cơ thể mình. Khi chúng ta đau khổ hay bị tổn thương chúng ta cũng có cảm giác chán ghét bản thân mình hơn.
Không nên như thế. Nếu trong gia đình có một người con bị dị tật, không bình thường như những đứa con khác, và nếu đứa con đó lại bị bố mẹ ghét bỏ, không để ý tới nó. Như vậy thì đứa trẻ đó sẽ vĩnh viễn bị tổn thương, đời sống sẽ trở nên thực sự bất hạnh và từ đó chẳng bao giờ có thể đạt được thành công trong cuộc sống nữa.
 Khi cơ thể của chúng ta bị tổn thương, bệnh tật, hay không may mắn, nếu chúng ta không yêu thương nó, mà ngược lại còn ghét bỏ nó, vậy thì cơ thể của chúng ta, bản thân ta và con người ta sẽ càng bị tổn thương sâu hơn. Như thế sẽ là rất khó để có thể làm nên được điều gì đó, để có thể thay đổi được cuộc đời, số phận, hay chữa khỏi bệnh tật cho một cơ thể, mà cơ thể đó đã bị tổn thương hoàn toàn khi không có được tình yêu thương.
Khi tình thương yêu xuất hiện trong ta, ta cảm thấy khỏe mạnh, nhưng khi ghét xuất hiện, ta cảm thấy bệnh tật. Chúng ta không yêu cơ thể mình thì chúng ta không thể ở trong nó.

Sự tồn tại thực sự của cơ thể chính là niềm vui sướng. Và thời điểm chúng ta coi cơ thể mình như là một món quà, như là món quà thánh thiện của tạo hóa, kỳ diệu của thiên nhiên, của Thượng Đế, chúng ta sẽ quay trở lại với cơ thể mình. Chúng ta sẽ yêu nó, ta sẽ cảm nhận nó – và Thiền là cách thức của sự cảm nhận đó.
Yêu thương bản thân! Yêu thương bản thân! trở về với bản thể yêu thương thẳm sâu sẵn có trong tận đáy lòng mình, để từ đó chữa lành mọi vết thương cho tâm hồn và nỗi đau cho thể chất. Thiền có thể giúp chúng ta làm được điều đó. Thiền là yêu thương bản thân và từ đó đem lại sự thư giãn cho cơ thể và cho tâm hồn.



(Thiền – Năng lượng chữa bệnh)


Hãy yêu cơ thể của mình, như một người mẹ yêu đứa con thơ, và ta sẽ cảm thấy thư giãn như chưa bao giờ cảm thấy trước đó. Yêu là thư giãn. Khi có tình yêu thì cũng có sự thư giãn. Nếu ta yêu một người nào đó – ví dụ, giữa ta và anh ta, giữa ta và cô ta có tình yêu – vậy thì âm nhạc của thư giãn sẽ xuất hiện cùng tình yêu. Thư giãn có đó.
Khi bạn thư giãn với một người nào đó, đó chính là tín hiệu của tình yêu. Nếu bạn không thể thư giãn với người đó, vậy thì bạn không thể trong tình yêu với họ.
Bất kỳ khi nào bạn đang yêu, sự tĩnh lặng sẽ xuất hiện. Từ ngữ biến đi, lời nói trở nên vô nghĩa. Thời điểm đó bạn có rất nhiều điều để nói nhưng không nói nên lời. Tĩnh lặng tràn ngập bạn, và trong sự tĩnh lặng đó, tình yêu sẽ nở hoa. Bạn đang thư giãn với tình yêu, không tương lai và cũng không quá khứ.
Điều tương tự cũng xảy ra nếu ta yêu cơ thể mình; ta trở nên thư giãn. Thiền là một sự yêu thương và thư giãn với bản thân, với cơ thể và đó cũng là bước đầu tiên để ta có thể kết nối được với linh hồn của mình.

Vậy chúng ta phải làm gì để có thể Thiền, có thể đạt được Thiền?

Từ hàng ngàn năm qua, ai đó đã bảo ta rằng Thiền là một cái gì đó rất khó. Nó chỉ dành cho một số ít người hiếm hoi, nó cũng giống như là việc đi trên cạnh lưỡi kiếm, cạnh sắc của thời gian, và thế này, và thế khác... tất cả những thứ ấy đã tạo nên trong tâm trí ta một ý nghĩ rằng Thiền là chỉ dành riêng cho một số ít người, không phải dành cho đại chúng.
Điều này hoàn toàn sai. Thiền là điều có thể đối với mọi người. Thiền đơn giản tới mức khó mà kiếm được người nào không thể Thiền được. Từ một đứa bé 5 tuổi đến cụ già 99 tuổi. Nó rất đơn giản, đơn giản như điều đơn giản nhất có thể là. Đơn giản như là một nụ hoa nở thành bông hoa, tâm trí con người cũng có thể chuyển đổi vào Thiền đơn giản như thế.

Những thứ chúng ta sắp làm thì rất dễ dàng và đơn giản. Nhưng điều thường hay xảy ra là, những việc dễ hình như ta lại không muốn làm, bởi ta không hay thường làm những việc dễ. Ta có thói quen hay làm những thứ khó khăn, thích chinh phục, không phải những thứ dễ dàng.

Đầu tiên, rất đơn giản, để cho cơ thể được thư giãn hoàn toàn và yên lặng trong một lúc. Nhắm mắt từ từ và chỉ việc ngồi yên thôi, chẳng làm gì hết – và rồi, tiếp theo là hãy lắng nghe một cách yên lặng những âm thanh xảy ra xung quanh – chỉ lắng nghe thôi. Tiếng chim hót, tiếng nhạc thiền, tiếng mưa rơi, lời thì thầm của gió, những giai điệu du dương... Việc chỉ lắng nghe thôi sẽ bắt đầu tạo ra một sự tĩnh lặng và một chiều sâu ở bên trong.
Thiền chỉ là ngồi thôi, chẳng làm gì hết, suy nghĩ cũng là làm, hãy đừng làm gì cả. Nó chỉ có nghĩa này thôi, chẳng có ý nghĩa nào khác: ngồi một cách yên lặng và chẳng làm gì hết. Chỉ ngồi thôi là một từ rất có ý nghĩa.
Vì thế hãy ngồi yên lặng chẳng làm gì cả. Mắt nhắm lại, tai mở ra, vì thế tai sẽ lắng nghe. Chỉ việc tiếp tục lắng nghe một cách yên lặng. Hãy tiếp tục lắng nghe một cách yên lặng. Trong khi lắng nghe, ta sẽ thấy rằng bên trong mình có một sự yên lặng, thanh bình và một cái không sâu xa vừa mới nổi lên. Chính trong cái không này mà người ta tiếp tục di chuyển – sâu hơn và sâu hơn nữa. Chính qua cái cửa không này mà một ngày nào đó ta sẽ nhận ra được cái toàn thể.



(Học thiền cùng mẹ)


Đầu tiên, hãy thư giãn toàn bộ cơ thể. Rồi từ từ nhẹ nhàng nhắm mắt lại. Hãy buông mi mắt xuống rất chậm, rất chậm thôi, để cho không có một sức nặng nào đặt lên đôi mắt cả, bình yên như một trẻ thơ sắp đi vào giấc ngủ vậy. Nhắm mắt và thư giãn toàn thân. Với những đại huyệt (luân xa), những cửa ngõ của cơ thể đã được khai mở (các bạn sẽ được người hướng dẫn giúp khai mở các đại huyệt trong khóa học Thiền - miễn phí - Đăng ký học ở mục "Liên hệ" trên trang blog) nguồn năng lượng vô biên sẽ tuôn trào không ngừng nghỉ, chảy bất tận vào trong cơ thể bạn. Cơ thể chúng ta sẽ bắt đầu thay đổi, trở nên khỏe mạnh hơn, yêu thương hơn, bệnh tật sẽ được chữa khỏi, sự thư giãn về đầu óc, thư thái về tâm hồn sẽ được cảm thấy. Những sợi dây của trí óc sẽ được chùng xuống, những sợi dây của trái tim sẽ được căng hơn, năng lượng của sự sống chảy tuôn tràn, bất tận. Âm nhạc của đời sống sẽ vang lên, du dương, êm đềm. Và thế là ta đã bước vào cuộc hành trình trở về với yêu thương, về với bản thể duy nhất của chính mình. Biết yêu thương mình, Yêu thương bản thân, bạn bè, gia đình, cuộc sống, từ đó chữa khỏi mọi bệnh tật, khổ đau, đổi thay cuộc đời, số phận.

Lão tiensinh.
Cảm ơn vì bạn đã  đọc.