19/6/14

NGẢI LÀ GÌ ? CÁCH HÓA GIẢI BÙA NGẢI VÀ PHÒNG CHỐNG (P2)

Phần II:    NGẢI
(Tiếp theo kỳ trước)

Ngải thuộc họ thực vật, thân thảo, có củ. Củ nhỏ nhất thì nhỏ hơn củ nghệ một chút như ngải đen, ngải nàng thâm, nàng xoài; lớn hơn thì có thể to bằng con heo đất như ngải hổ, ngải tượng...vv... Một số loài đã có tên khoa học và đã được công nhận tính năng chữa bệnh hay giúp ích cho cơ thể con người, bởi các nhà nghiên cứu khoa học công bố. Chẳng hạn có những loại củ cây ngải có thể giúp tăng cường sinh lực, tăng sự dẻo dai mà dân phu trầm thường hay dùng trong những chuyến luồn rừng dài ngày. Người ta thường hay nói “ngậm Ngải tìm trầm” là vì thế. Nhưng đa phần cây ngải vẫn còn mang nhiều bí ẩn mà tên gọi chỉ được truyền miệng qua kinh nghiệm dân gian.
Ngược lại với những loài ngải có tính dược liệu thì cũng có những loại ngải có tính độc, nhẹ thì gây mẩn ngứa ngoài da, nặng hơn thì có thể ngộ độc, dẫn đến bệnh tật hoặc mất mạng.



(Một rừng cây có khả năng ăn thịt trên núi Koh Pov, Campuchia)


Giới luyện ngải thường dùng một loại cây Ngải biết ăn thịt, để tăng thêm sự huyền bí. Thực tế, theo khoa học thì trong tự nhiên có những loài cây mà khi sống ở những nơi đất bạc màu, để có thêm dưỡng chất nuôi thân, hoa của chúng tiết ra một loại dịch tạo mùi để hấp dẫn côn trùng. Khi chạm vào, chúng sẽ có cơ chế cử động giống như lá của cây xấu hổ để “ôm” lấy con mồi, rồi tiết những dịch có chứa vi khuẩn và thành phần hóa học phân hủy chất hữu cơ tạo thành dưỡng chất nuôi cây.
Những cây non dưới 3 năm tuổi chỉ có thể bẫy được côn trùng nhỏ như ruồi, muỗi... Cây trên 3 năm tuổi thường cao khoảng 0,5 mét, thân cành chằng chịt rối rắm thành một bụi lùm có thể bắt chim chóc, chuột, sóc... Những cây trên 5 năm tuổi tạo thành một bụi lùm khoảng 1 đến 2 mét vuông trở lên sẽ bắt được những động vật lớn hơn như gà, chồn... (Bạn vào youtube và tìm cây ăn thịt, hay thực vật ăn thịt thì sẽ có những hình ảnh sinh động về loài cây này).
Khi tiếp xúc với loại cây họ này chỉ cần cẩn thận với những chất dịch tiết ra từ hoa của nó. Nếu chạm vào da, những giọt a xít ấy không đủ làm phỏng ngay, nhưng cũng đủ để gây dị ứng, tấy đỏ. Chỉ cần dùng cồn để xoa vào diệt khuẩn rồi dội nước để rửa sạch chất axít là được.

Tương truyền rằng, khi luyện ngải, các thầy bùa, pháp sư phải nuôi ngải bằng máu gà và máu của mình... rồi tắm cho ngải, cho ngải ăn vào giờ nhất định, đọc thần chú cho ngải nghe..vv... Chăm ngải còn hơn cả chăm con so, cùng với đủ thứ chuyện ly kỳ, thâm u huyền bí khác.
Thực tế, với những loài cây có thể hấp thụ protein của động vật, thì việc protein đó được lấy từ máu gà, máu người, hay từ những động vật khác như côn trùng thì nguyên lý cũng đều như nhau, chẳng có gì khác biệt. Cũng giống như việc khi ta có thể ăn thịt gà, thì cũng có thể chén được thịt voi vậy.
Nhưng vì sao trong việc “luyện ngải” người ta lại thêu dệt nên lắm chuyện đến thế? Việc cho ngải hấp thụ máu người luyện có thật hay không? làm vậy để làm gì? Không làm như thế thì ngải sẽ không hiệu nghiệm hay sao?..vv.. và còn bao nhiêu truyền tụng ly kỳ, bí hiểm hư hư, thực thực nữa.

Lão cũng không có ý đề cập chi tiết mọi việc ở đây, điều này lão nghĩ chính các vị được gọi là chuyên gia “luyện ngải” đôi khi cũng không hiểu, chỉ vì được học như thế nào thì làm như thế thôi, chỉ vì cứ nghĩ phải làm như thế thì Ngải nó mới linh..vv...
Cũng như nhiều người đã không hiểu khi theo học một phương pháp, một giáo phái nào đó tại sao lại có lắm quy tắc, giới luật rườm rà phải tuân thủ đến thế, thậm chí nhiều thứ còn chẳng được hiểu là để làm gì.

Tư tưởng sẽ định hướng cho hành động, tư tưởng và hành động huyền bí sẽ tạo nên đức tin vào những huyền thuật. Đức tin sẽ giúp chuyển biến được tâm thức, và từ tâm thức có thể đi vào thế giới tâm linh. Đó là con đường phải đi của giới huyền thuật, tạo nên những hiện tượng, những khả năng khác thường nằm ngoài phạm vi hiểu biết thông thường của đời sống, trong đó có hiện tượng Bùa, Ngải.
Lão sẽ giải thích mọi thứ vào một dịp khác, để các bạn sẽ hiểu thế nào là tâm thức, tâm linh, những hiện tượng huyền bí, những khả năng khác thường từ đâu mà ra, những điều lạ lùng do đâu mà có. Bản chất của huyền thuật, của Mật Tông cũng như của Thôi miên và một số trường phái khác là gì. Lý do vì sao những ông thầy khi luyện Ngải, hay những người xin ngải về để sử dụng vào mục đích gì đó, hoặc bị ngải hại khi được “trục” ngải lại thường phải tuân theo, làm theo những việc, những lời dặn... kỳ quặc ?!
Những bạn học thiền cấp 3 ở chỗ lão sẽ được tìm hiểu ít nhiều, để từ đó có thể tự tin mọi lúc, mọi nơi, biết cách ứng xử, đối diện với mọi hoàn cảnh, biết cách chữa khỏi mọi bệnh âm mà không sợ rơi vào ma trận của thế giới huyền bí.



(Một loại Ngải hoa có màu đỏ, có nhựa độc)


Về bản chất thì ngải không khác gì Bùa chú. Dân gian cho rằng có những người chết trở thành những vong linh đói khát, oan khuất, lang thang vất vưởng. Họ thường tìm đến những nơi có thể được cho ăn như đình chùa để được thí thực, được thỏa cơn đói khát, được thỏa mãn ham muốn của mình. Giới luyện ngải cho rằng khi có những loài cây có thể ăn được thịt, thì những vong linh cũng có thể nương tựa vào những cái cây đó để thỏa mãn được nhu cầu ăn uống và những ham muốn khác của mình. Nuôi cây, nuôi ngải, nghĩa là nuôi vong, và tôi nuôi ông thì ông phải làm gì đó cho tôi.
Tương truyền các thầy pháp thường đọc thần chú để nhốt vong vào ngải khi luyện ngải, chăm sóc cầu kỳ để vong không bỏ đi, và khi cần thì sai khiến ngải (vong) làm việc gì đó cho mình.
Theo quan niệm, Bùa chú thì nhờ trợ lực của thần chú mà nhốt vong vào nét vẽ, tờ giấy. Ngải thì dùng thần chú để vong lệ thuộc vào một loại thực vật. Về cơ bản không khác gì nhau. Nên cứ gọi chung là Bùa ngải. Bên Thái Lan, Lào, Miên (Campuchia), những lá linh phù đi kèm những câu thần chú cũng đều được gọi là Ngải.


Ngày nay giới truyền thông đã tuyên truyền quá mức về mức độ huyền bí của Bùa ngải. Những cụm từ như huyền thuật, kỳ lạ, hãi hùng, không thể tưởng tượng, chết cả nhà..vv... Đã vô tình tạo ra tâm lý hoang mang cho người đọc. Mục đích ban đầu của họ chắc cũng chỉ là gợi sự tò mò để thu hút người đọc, câu khách mà thôi. Đọc cách miêu tả của họ thấy gần giống với các bộ phim kinh dị nói về Bùa ngải của Thái Lan. Đôi khi vì muốn người đọc phải tin nên nhiều người viết tự xưng mình là nhân chứng (có người là nhân chứng thật, nhưng cũng không hiểu là mình đang “chứng” cái gì?). Có người thì trích dẫn lời của các “cao thủ” bùa ngải... mà các “cao thủ” giả hay thật đó cũng vậy, có người còn không hiểu việc mình làm, có người hiểu bản chất nhưng lại cố tình nói khác đi..vv...
Và còn nữa, đôi khi người viết còn dùng cách viết  kiểu hù dọa, buộc người ta phải tin. Vô tình họ đã tạo ra những điều không tốt cho xã hội, một số người trở nên hoang mang, nghi kỵ và đề phòng lẫn nhau trong cộng đồng. Và khi không hiểu thì họ cũng tìm đến những nơi “không hiểu” để giải quyết, và đã tạo cơ hội cho không ít kẻ lợi dụng mê tín trục lợi. Tiền thì mất mà mọi thứ càng trở nên phức tạp hơn.
Ngôn ngữ thì thôi rồi, sử dụng toàn những từ ngữ ẩn dụ để nhằm gây sự tò mò và tạo cảm giác huyền bí, ám ảnh. Một cây Ngải thuộc nhóm thảo mộc, có hoa màu đỏ, nhựa có chất độc thì họ phóng tác một cách văn vẻ gọi đó là “Huyết ngải độc thần tướng” !??  Là một trong những bảo bối tối thượng, chứng tỏ đẳng cấp của các ngải sư..vv...
Người không hiểu biết thì dễ lạc vào cái gọi là mê trận của Bùa ngải, do những người khác vô tình hay cố ý giăng ra.



(Một thầy pháp đang thao tác yểm bùa thông qua hình nhân)


Vì sao bùa ngải có thể tác động vào người bị hại ?

Nguyên tắc khi gieo Ngải là: Cần phải có họ tên, địa chỉ, của người sẽ bị tác động bởi Ngải. Hoặc có ảnh hoặc hình nhân thế mạng của người bị tác động, và những “ông thầy” sẽ “thao tác” trên ảnh hay hình nhân đó. Có trường hợp lại dùng Ngải trực tiếp, cho ngải độc vào quần áo, vào thức ăn, nước uống của người bị hại..vv...
Giới truyền miệng, giới cầm bút, hoặc những người đi xin Ngải do không hiểu về bản chất, mà chỉ căn cứ vào hiện tượng bên ngoài nên đã phóng tác và mô tả một cách vô tiền khoáng hậu. Nào là thầy bùa đã làm như thế này, người bị hại đã bị như thế kia, cách làm, cách bỏ bùa, ngải, thư, ếm; cách giải mỗi nơi một kiểu..vv...

Chúng ta chỉ nên nhìn nhận một cách đơn giản, và đúng bản chất hơn.
Khi bị tác động (nếu người ta thực sự tác động được, bằng cách này hay cách khác, bằng tâm lý, tư tưởng hay thể chất), thì người bị hại sẽ bị nhiễm một lượng âm khí (năng lượng âm, hay nói cách khác, dẫn đến mất sinh khí, dương khí) nhất định, nhiễm ít thì gây ra mệt mỏi, ủ rũ, chán nản, đau nhức..., nhiễm nhiều hơn sinh ra tâm thần, hoang tưởng, bệnh tật... Từ đó ảnh hưởng đến đời sống, công việc, nhiễm nặng có thể dẫn đến mất mạng.
Vì vậy, nguyên lý khi giải Bùa ngải là làm sao cho người bị hại được tiêu trừ âm khí trong cơ thể (hay nói cách khác, phục hồi được dương khí, sinh khí). Từ đó mọi triệu chứng cơ thể biến mất, người bị hại sẽ trở nên khỏe mạnh bình thường.
Nguyên tắc chỉ có vậy, nhưng đôi khi để tăng thêm vẻ huyền bí, thần thánh hóa, nhiều “ông thầy” đã vẽ ra đủ các kiểu cách thực hiện. Có người cũng chẳng hiểu được cơ chế tác động, hay tác động như thế nào của việc họ làm.
Nếu cứ tin và giải quyết Bùa ngải theo kiểu: có một hay nhiều vong (âm binh) theo hại ta (do người khác yểm bùa, gieo Ngải), ta liền phải nhờ một ông thầy bùa ngải khác cao tay ấn hơn giải giúp, nghĩa là nhờ một lũ âm binh khác mạnh hơn đến xua đuổi, đánh nhau với lũ âm binh cũ, bên nào mạnh hơn thì bên đó thắng. Rồi bên thua lại tiếp tục đi tầm thầy cao hơn nữa... Nghĩa là lúc đầu chỉ có một hoặc vài âm binh theo quấy phá ta thì giờ đây lại có cả một đàn. Theo kiểu bảo kê hay thanh toán nhau của xã hội đen. Cứ theo cái kiểu giải thích và giải quyết Bùa ngải như thế thì chẳng thể có hồi kết, và người ta cứ mãi lạc vào mê trận của Bùa, của Ngải, cuộc sống càng ngày càng trở nên bất  an hơn và chẳng còn biết đâu mới là sự thật, và đâu là lối ra.

Như lão đã nói ở bài Âm dương. Theo nguyên lý âm dương thì vạn vật có trong vũ trụ đều không nằm ngoài hai yếu tố âm và dương. Từ cuộc sống hữu hình đến thế giới vô hình, từ đời sống đến tâm linh, từ con người đến mọi yếu tố liên quan. Và chân lý luôn là, dương thịnh thì âm sẽ suy, và ngược lại.
Bùa, Ngải chủ về âm, năng lượng âm. Mà đặc tính của âm là hư hoại, bệnh tật, đổ vỡ, không may mắn...
Chỉ cần dùng yếu tố dương cân bằng lại là được. Đặc tính của dương là thành công, may mắn, khỏe mạnh... sự sống của một con người phụ thuộc vào dương khí mà người đó có. Một người sẽ chết khi mất hết dương khí, chỉ còn lại âm khí mà thôi (đến đám ma bị nhiễm hơi lạnh là vì thế). Một người âm khí thịnh (nhiễm năng lượng âm) thì dương khí bị suy giảm, từ đó dẫn đến bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe và những điều không mong muốn.
     Trong tính chất của Ngải cũng mang rõ nét âm dương. Ví dụ những loài cây Ngải gây độc, gây bệnh thuộc tính âm, trong luyện ngải người ta thường dùng nhiều cách làm cho nó trở nên âm hơn để tăng độc tính. Nhưng cũng có loại Ngải có tính dương, chứa nhiều dương khí, có tác dụng chữa bệnh như củ cây Ngải nàng thâm. Do vậy dùng Ngải nàng thâm cũng có thể hóa giải (cân bằng âm dương) được những loại ngải độc khác.





Hiểu biết nguyên lý âm dương và cơ chế tác động của trường năng lượng, sẽ giúp ta miễn nhiễm với mọi loại Bùa, Ngải, chẳng cần phải lo sợ bởi  thế giới huyền bí, huyễn hoặc.
 Khi đó ta sẽ hiểu vì sao giới giải Bùa, trục Ngải lại hay dùng thần chú hay bùa hộ thân..., những nghi lễ huyền bí rườm rà; giới "trục" Ngải lại dùng một biện pháp chẳng mấy tâm linh đó là... lăn trứng gà luộc, rồi lấy ra được toàn móc câu với dao lam trong cơ thể  người bệnh.??

Bản chất thì cũng chỉ là âm với dương, chỉ có một, nhưng cách người ta miêu tả và giải thích thì có muôn vàn, vô thiên địa, và không hiểu biết thì cứ mãi lòng vòng.
(Dịp nào đó lão sẽ có bài viết sẽ giúp bạn giải mã thần chú, bản chất của thần chú là gì? Tại sao lại có thể tạo ra những quyền năng khác thường).

(Còn tiếp phần 3: Cách giải trừ và phòng tránh Bùa ngải)

Lão tiensinh.
Cảm ơn vì bạn đã đọc.


Bài liên quan:




Không có nhận xét nào: