5/5/13

VỀ VỚI YÊU THƯƠNG.


 Giữa sa mạc ai mà không khát nước
Bước vào đời ai chẳng khổ đau.

      Nước mắt thường nối gót nụ cười, có niềm hạnh phúc nào mà không nằm trên đau khổ hay một viễn tưởng của đau khổ. Con người chúng ta như đang sống mà không thể thoát khỏi một sự ám ảnh nào đó. Có một triết gia nói: “Một nửa bánh mình vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì lại là giả dối”, và chúng ta, thương thay, lại đang sống với một nửa hạnh phúc của mình.
   Ai đến rồi đi thật nhẹ nhàng, con chim cất tiếng hót líu lo trong trẻo cho đến phút cuối cùng thật bình an, bông hoa cũng sớm nở tối tàn không vương vấn, chúng hoàn thành sứ mệnh của mình một cách thật hạnh phúc.


(Trong sáng)


     Chúng ta đến với cuộc đời này bằng hai bàn tay trắng, và khi ra đi cũng chỉ vậy mà thôi, nhưng chúng ta lại phải sống một cuộc đời vật vã lo toan, bao nỗi đoạn trường, nhiều trắc trở. Có người khổ vì vợ chồng không như ý, ai đó khổ vì con cái chẳng nghe lời, và thương cho những người đang khổ vì bị bệnh tật hành hạ ..vv…  
Nghèo khó thì lại nghĩ mình đời sao khổ thế. Giàu sang thì cảm thấy sao mà trống rỗng. Chẳng nhẽ đó lại là sự thật ? giữa cuộc đời ai cũng khổ đau ?

Hạnh phúc, niềm vui là một bản thể của tự nhiên, chúng ta cũng là một phần của tự nhiên cấu thành. Con người sinh ra là để vui sống và hạnh phúc. Hạnh phúc, niềm vui tự nó chẳng phân biệt ta là ai, trí thức hay nông gia, thường dân hay người có quyền thế, chẳng bận tâm ta giàu hay ta nghèo, nó cũng chẳng đòi hỏi điều kiện gì ở ta. Hạnh phúc niềm vui cũng chẳng phải là nơi mà nếu có tiền thì ta có thể mua vé đến. 
Bởi hạnh phúc là một lẽ của tự nhiên nên nó cũng sẽ có những quy luật riêng của mình. Nếu chúng ta sống đúng với tự nhiên, thuận với trời đất thì khi ngày tháng trôi qua, ngày sau chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống của mình vui tươi hơn, hạnh phúc hơn ngày trước. Nhưng dường như chúng ta đang không  phải thế. Niềm hạnh phúc vẫn là một ám ảnh truyền đời giống như chiếc Lá diêu bông, vô hình, vô ảnh có ai hay?. Dường như chúng ta đã đi quá xa với những bước chân vô định của mình.

    Về thôi, chúng ta về thôi. Một đứa bé thật hạnh phúc khi nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, thánh thiện, bình yên, mặc cho cuộc đời ngoài kia nhiều giông gió. Chúng ta cũng nên trở về trong vòng tay người mẹ tự nhiên của mình. Chúng ta sống giữa thiên nhiên, được thiên nhiên bao bọc, cũng giống như đứa trẻ sống trong vòng tay của người mẹ vậy. Trong tình yêu thương chúng ta có hạnh phúc, có tình yêu thương chúng ta sẽ có hạnh phúc. Về đi thôi, về với bản thể yêu thương.  Để cho yêu thương lấp đầy những khoảng trống trong ta, yêu thương sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khốn khó, mọi rủi ro, bất hạnh, là phương tiện để đến được với niềm vui và hạnh phúc. Yêu thương là mô liên kết vũ trụ, là chất liệu chính cấu thành nên cuộc sống, là yếu tố tạo nên con người. Yêu thương mới là gốc rễ của đời sống con người. Hãy quay về với bản thể yêu thương sẵn có, thẳm sâu trong đáy lòng mình, từ đó chữa lành mọi vết thương cho tâm hồn và cho thể chất. Hãy cho phép bản thân mình từng phút, từng giây được tái sinh vào một đời sống mới.

     Nhưng làm sao để khơi nguồn lại yêu thương? Khi còn bé chúng ta yêu thương con người, cỏ cây, hoa lá, tất thảy mọi thứ xung quanh ta mà không có đòi hỏi một chút điều kiện nào. Niềm vui luôn tràn ngập trong lòng không gì dập tắt được. Thử hỏi có tuổi thơ của ai là không đẹp? bất chấp hoàn cảnh có thế nào, cuộc sống có ra sao. Chúng ta đã từng không biết đến giận dữ, ghen ghét, đố kỵ, ganh đua, than thở. Khi có niềm vui, hạnh phúc ở trong lòng chúng ta sẽ không còn chỗ cho những thứ khác. Với một trẻ thơ, cho dù nước mắt có lăn trên gò má khi bị ta đối xử bất công, thì nó cũng sẽ quên ngay, và niềm vui luôn trở lại. Còn chúng ta, dường như chúng ta đã sai điều gì đó.


(Hồn nhiên)
      


Nếu một nhạc cụ bị hư hỏng thì nó không thể phát ra âm nhạc được. Nếu sợi dây đời sống quá chùng thì âm nhạc không thể nào phát sinh. Chỉ với cây đàn cơ thể thì âm nhạc của đời sống mới có thể vang lên, những sợi dây đàn của thân thể chúng ta không nên quá chùng hay là quá căng.

     Khi ngắm nhìn những bông hoa đang nở, đang khoe sắc thắm, chúng ta liền nghĩ bông hoa là phần tinh túy nhất, quan trọng nhất của một cái cây. Nhưng thật ra chẳng phải vậy đâu, phần quan trọng nhất chính là rễ, chính là phần mà chúng ta không nhìn thấy được rõ ràng. Rễ phải có trước rồi sau mới có tới hoa, nếu ta không chăm sóc đến rễ thì hoa sẽ héo bởi tự bản thân hoa không có đời sống riêng của nó.
Nếu ai đó hỏi chúng ta rằng phần quan trọng nhất của cơ thể là gì, thì một cách vô thức, tay ta sẽ chỉ lên đầu và nói bộ não quan trọng nhất, hoặc một phụ nữ thì sẽ chỉ vào trái tim mà nói rằng trái tim là quan trọng nhất. Nhưng đầu và tim đều không phải là nơi mà từ đó con người được nối kết với tình thương yêu, với nguồn năng lượng sống của mình – và nếu ta không biết gì hết về gốc rễ của ta thì ta không thể nào đi vào thế giới của một thiền nhân được. Năng lượng không thể tuôn trào để cho ta có được sức sống, niềm yêu thương và hạnh phúc vô bờ bến.

    Vậy đâu là gốc rễ con người? nơi từ đó có nguồn năng lượng, yêu thương chảy không ngừng?. Một đứa trẻ được hình thành trong tử cung người mẹ và phát triển từ đấy. Nó được kết nối với nguồn năng lượng sống, với tình yêu thương của người mẹ qua đầu hoặc qua tim chăng? Không phải, nó được kết nối với người mẹ thông qua rốn.
Vậy chính rốn mới là phần quan trọng nhất trong cơ thể con người. Sau đó thì tim mới phát triển và rồi sau nữa mới đến não. Đây là những chi nhánh phát triển về sau, chính tại đó có những đóa hoa nở rộ. Những đóa hoa kiến thức nở ra trong đầu và những bông hoa tình yêu nở trong tim.

      Một người có thể được cứu sống khi tim đã ngừng đập, nếu người ta kích thích được cho quả tim đập lại trong vòng 7 phút, với não thì lâu hơn, một người có thể hôn mê, não ngừng hoạt động trong một thời gian dài sau đó tỉnh lại. Nhưng nếu rốn, trung tâm năng lượng đời sống của chúng ta chết, thì chúng ta sẽ chết, không gì có thể cứu vãn được, và nếu nó suy yếu thì đời sống của chúng ta cũng sẽ suy yếu. Chúng ta cũng sẽ không có được hạnh phúc, không có được đời sống như mong muốn.

   Từ thời thơ ấu, mọi sự giáo dục đều là giáo dục riêng cho bộ não, chúng ta không được tìm hiểu về trung tâm rốn, vì thế não của ta trở nên lớn hơn và gốc rễ của ta thì ngày càng yếu đi.
   Đối với toàn bộ cuộc sống của ta, chúng ta cứ lang thang vòng quanh bộ não, sự nhận biết của chúng ta chưa hề đi xuống thấp hơn dưới đấy. Toàn thể sức lực và sự nhấn mạnh của ta đều được áp đặt lên cho não, chúng ta chẳng hề có ý tưởng nào rằng bộ não là một thứ tinh vi, hết sức mỏng manh và rất tế nhị.
    Ta khó mà biết được các dây thần kinh bé nhỏ và tinh tế đến thế nào ở trong não mà lại phải cưu mang tất cả những gánh nặng, những âu lo, giận dữ, tất cả những sự chịu đựng, tất cả kiến thức…toàn thể gánh nặng cuộc đời của chúng ta.

    Từ ngàn năm qua tất cả những căng thẳng của đời sống, gánh nặng của tư tưởng, đều chồng chất lên duy chỉ những tế bào não vốn mỏng manh và nhạy cảm. Hậu quả là không thể tránh khỏi, hậu quả là thần kinh sẽ bị suy nhược, trở nên bất thường, rối loạn, bất ổn và đi tới chỗ khó mà kiểm soát.


(Tinh khôi)


       Nếu như sợi dây đàn quá chùng, nó không thể phát ra âm nhạc. Dây đàn quá căng cũng không thể nào phát ra nhạc được, bởi dây quá căng sẽ đứt ngay khi người ta chạm tới. Những sợi dây đàn của thân thể con người không nên quá chùng hay quá căng, chỉ trong sự cân bằng đó mà con người mới có thể đi vào âm nhạc của đời sống.
Đâu là những sợi dây trong chiếc đàn cơ thể? Có những sợi dây trong não đã rất căng, tất cả chúng ta đang sống với những sợi dây của óc não đã quá căng thẳng. Chúng căng tới mức chỉ cần thêm một cái chạm khẽ thôi, nhẹ thì sẽ dẫn chúng ta đến stress, trầm cảm, suy nhược, suy nghĩ trở nên bất thường, nặng thì khiến con người đột quỵ, tai biến, tâm thần, có khi điên loạn… những hỏng hóc mà chúng ta khó bề sửa chữa.

Những sợi dây của trái tim chúng ta lại bị quá chùng,  ta có biết thứ gì như là tình yêu không? Ta đều biết tức giận, biết căm thù, ta biết ganh tị, ta biết ghét bỏ. Chúng ta có biết thứ gì giống như là tình yêu thương không? Có lẽ ta sẽ trả lời rằng ta biết.
Tại sao ở phương tây người ta lại coi trọng những con chó? Người ta xem chúng như những đứa con của mình. Bởi vì, chúng cho ta cái êm đềm của tình thương, không vụ lợi, không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Cho dù ta khó khăn, cho dù ta khốn khó, cho dù ta ích kỷ, cho dù ta xấu xa, cho dù ta có nổi điên lên…thì nó vẫn ở bên ta, quấn quýt bên ta, cho ta cái sự êm đềm của tình thương.
Tại sao trẻ con thường rất đáng yêu? Ai cũng yêu thương trẻ con? Vì chúng yêu tất cả mọi thứ xung quanh mình, chúng cười với tất cả mọi người không cần phân biệt tốt xấu, ta có mắng mỏ thì chúng cũng quên ngay và chơi đùa ngay sau đó. Bởi trong lòng con trẻ luôn tràn ngập cái gọi là tình thương yêu, chúng thương yêu theo cái bản chất vốn sẵn có của tự nhiên. Khi tình yêu hiện diện trong tim, nó không còn chỗ cho sự căm ghét, giận dữ.
    Tình yêu đó chỉ bị lệch lạc, méo mó đi, khi bị đòi hỏi có điều kiện, khi ý thức của chúng phát triển. Nghĩa là chúng bị ảnh hưởng bởi chúng ta, hay chúng ta đã giáo dục cho chúng đi sai hướng. Khi tình yêu thương của con người không còn là gốc rễ, đã trở nên có điều kiện thì mọi sự bất an, khó khăn, bệnh tật của cuộc đời bắt đầu đổ xuống.

Nói rằng một người có lúc thì sống và có lúc lại chết là điều không thể. Hoặc trái tim chỉ chỉ biết có yêu, hoặc trái tim chỉ biết có ghét. Một đứa bé thơ không thể ghét ai vì trong nó có tình thương yêu. Sự hiện diện của yêu và ghét đồng thời trong một trái tim là điều không thể. Vậy cái mà ta gọi là tình yêu thương là gì?
Khi ghét có mặt ít hơn, chúng ta gọi đó là yêu. Khi sự tức giận có mặt ít hơn, chúng ta gọi đó là thương. Thực ra chúng chỉ là những tỉ lệ lớn hơn hoặc nhỏ hơn của chính bản thân căm ghét mà thôi. Đó chỉ là sự căm ghét, oán trách, giận dữ, chẳng có tí tẹo tình yêu thương nào cả.

     Sở dĩ nhầm lẫn xảy ra bởi vì chúng có những mức độ. Do có những mức độ khác nhau cho nên ta có thể nghĩ lầm rằng nóng và lạnh là 2 thứ khác nhau. Chúng không phải là hai thứ khác nhau, nóng và lạnh chỉ là phân độ của cùng một thứ, là tỷ lệ nhiệt, lạnh chỉ là một hình thức khác của nhiệt và của cùng một thứ mà thôi.
Một người đang bệnh, khi căn bệnh giảm đi, người ấy nói rằng họ đã trở nên khỏe mạnh. Nhưng sức khỏe là một điều hoàn toàn khác hẳn. Rất ít người trong chúng ta có thể biết được sức khỏe. Ta biết có nhiều bệnh tật hơn, ta biết có ít bệnh tật hơn. Ta biết bệnh nặng hơn, ta biết bệnh nhẹ hơn, nhưng ta không biết sức khỏe. Ta biết nhiều nỗi bất an, ta biết ít nỗi bất an, nhưng ta không biết sự bình yên, an ổn tràn ngập trong lòng. Chúng ta biết khổ nhiểu, chúng ta biết khổ ít, chúng ta biết giận nhiều, chúng ta biết giận ít ….

Ta có thể nghĩ rằng chỉ đôi khi sự căm ghét, tức giận mới xảy ra. Ý nghĩ này là sai. Ta luôn tức giận suốt 24 giờ, chỉ là có khi nhiều hơn, có khi ít hơn. Chỉ cần một cơ hội nhỏ thôi, thế là cơn giận của ta sẽ bắt đầu nổi lên bề mặt. Cơn giận đã có sẵn bên trong rồi, nó chỉ chờ một cơ hội để thoát ra bên ngoài. Giống như nước đã có sẵn ở  trong giếng, chỉ cần thả gàu xuống kéo lên, ta sẽ múc ra được nước.
    Và đôi khi chúng ta cũng trở nên giận dữ ngay cả khi không có lý do nào cả.Ví dụ, một người được nhốt trong phòng kín, cách biệt, có khi anh ta cảm thấy tốt trong căn phòng khóa kín đó, có khi anh cảm thấy tệ; đôi khi anh cảm thấy buồn, đôi khi anh cảm thấy vui, có khi anh cảm thấy nhiều giận dữ, có khi thấy ít giận. Chẳng có lý do nào để biện minh ở đó cả, tình trạng căn phòng vẫn như thế - nhưng điều gì đã xảy ra đối với anh ta? Đó chính là lý do tại sao con người sợ sự cô đơn – vì trong sự cô đơn chẳng có nguyên nhân nào đến từ bên ngoài cả, khi đó mọi cảm xúc đều đến từ bên trong. Bất kỳ một người nào cũng không thể duy trì được sự khỏe mạnh nếu ở biệt lập quá 6 tháng.
Tình yêu thương và sự tức giận giống như hòa bình và chiến tranh. Khi cuộc chiến đi qua chúng ta nhầm tưởng chúng ta đang sống trong hòa bình. Khi những sự căm ghét, tức giận tạm thời lắng xuống chúng ta tưởng mình có tình yêu thương. Khi không còn tiếng súng, chúng ta nghĩ đó là hòa bình, không phải thế, đó chỉ là những giai đoạn tiềm ẩn, chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khác mà thôi. Mọi trật tự của tự nhiên bị đã bị làm cho biến đổi, cho nên thế giới của chúng ta là thế giới của chiến tranh, nó có những giai đoạn chiến tranh và những giai đoạn tiềm ẩn, chuẩn bị cho chiến tranh, nó không có hòa bình. 

    Những sợi dây trái tim của chúng ta thực tế đang quá chùng. Chúng chỉ phát ra tức giận, ghen ghét, từ chúng chỉ phát ra những thứ méo mó và bất hòa điệu. Những sợi dây trái tim của ta cần được căng hơn một chút để chúng có thể phát ra tình yêu thương thật sự, và những sợi dây óc não của ta cần được chùng đi một chút để chúng có thể phát ra sự thông minh và hiểu biết, không phải là sự rối loạn.


(Thiền...)


     Làm thế nào để thư giãn những sợi dây óc não và làm thế nào để tạo sức căng cho những sợi dây trái tim. Phương pháp để làm điều này chính là cái mà chúng ta gọi là Thiền.
Hành trình của một thiền nhân thì hướng xuống dưới – hướng về nơi gốc rễ. Người ta phải đi từ não hướng xuống tới tim, và từ tim hướng xuống tới rốn. Gốc rễ của cây ở tại trong đất, nơi chúng ta không nhìn thấy được, và gốc rễ của con người ở tại linh hồn. Chỉ có ở trung tâm rốn ta mới có thể tạo nên sự kết nối.

      Thực ra không phải chúng ta không biết về cái trung tâm cội rễ của mình, chúng ta vẫn mường tượng, vẫn từng có cảm nhận về nó. Khi nói về một người rất tốt, ta thường nói người đó có “tấm lòng” cao cả, nghĩa là cái sự tốt của người đó không phải từ não, cũng không phải từ tim, mà nó từ một nơi sâu xa hơn thế. Khi nói những lời chí tình, chí nghĩa, ta thường nói: “lời nói xuất phát từ đáy lòng, nghĩa là lời nói đó không phải xuất phát ở một nơi mang nhiều bề nổi như não, cũng không phải một nơi nhiều vơi cạn như tim, mà nó từ một nơi sâu thẳm hơn thế.
Ký ức của chúng ta, ai cũng có những điều sâu kín, những điều sâu thẳm tự đáy lòng, chỉ mình mình biết, chỉ mình mình hay, nó không nằm ở một nơi dễ nói ra như não, không nằm ở một nơi dễ rung động như tim, nó ở sâu tận trong cội rễ của chúng ta. Hầu hết những ký ức về tuổi thơ của chúng ta đều thuộc dạng này, bởi lúc ấu thơ đó, ta đang sống với bản thể tự nhiên của mình, không bị chi phối bởi não hay do tim.

Trong phép tu tiên của Đạo giáo, người ta gọi vùng trung tâm rốn là Đan điền, nghĩa là thửa ruộng để luyện nên những viên linh đan trường sinh bất tử. Trong Khí công gọi vùng trung tâm rốn là Khí hải, nghĩa là nơi tàng trữ biển khí năng lượng mênh mông vô tận của con người.
   Thiền định với phương pháp đúng sẽ giúp chúng ta đi từ não xuống tim, và từ tim xuống rốn. Nơi chúng ta được nối kết với linh hồn, với nguồn năng lượng sống của mình. Trung tâm năng lượng sẽ chảy tuôn tràn, tái tạo chu trình tế bào gốc, sẽ cho ta cuộc sống khỏe mạnh, yêu đời. Nơi đó là gốc rễ, sẽ đưa ta trở về với bản thể tràn ngập yêu thương, từ đó chữa khỏi mọi bệnh tật, sự tổn thương, đổi thay cuộc đời, số phận. Cũng từ trung tâm rốn chúng ta mới có thể mở được cánh cửa bên trong, đi vào được thế giới rộng lớn, cõi tâm của mình.

Lão tiensinh.

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết rất hay và ý nghĩa, rất mong Lão tiên sinh sẽ có bài viết riêng về phương pháp tập thiền đơn giản và hiệu quả. Xin cảm ơn!

Nặc danh nói...

bài viết hay quá, xin phép tác giả cho share nha. cám ơn tg rất nhiều

Nặc danh nói...

..' sự hiện diện của yêu và ghét đồng thời trong một trái tim là điều không thể .." ..' trong ta k có yêu thương..chỉ là mức độ khác nhau của tức giận..."..sự cô đơn chẳng có nguyên nhân nào đến từ bên ngoài cả...mọi cảm xúc đều đến từ bên trong.." ...' ...cái bề nổi của não và sự vơi cạn của con tim..."....
Tui k thể rõ lắm vì sao lại dội trong tui nhiều xúc động đến thế ,khi đọc bài viết ni của Lão....vì quá nhiều lầm lạc...quá nhiều chênh vênh...vì gặp quá nhiều điều tâm đắc...k chắc...nhưng có điều chắc là tui đang vui và rất hâm mộ ..xin cảm ơn Lão

Unknown nói...

Cam on lao Tien Sinh nhieu nhe, Con da doc bai nay may lan roi nhung van thich doc di doc lai....