“Người hiểu biết đường đạo ý thức linh hồn là ta, là người
làm chủ, còn xác thân chỉ là con ngựa để ta cưỡi đi trên đường . Người chưa
hiểu biết nhận mình là con ngựa và cố gắng thoả mãn các nhu cầu của họ...”
Phương
pháp tại đạo viện không chú trọng đến hình thức, mà chỉ nhắm vào kiểm soát
thường xuyên quan niệm của người tu đối với bản thân mình, với mọi người chung
quanh. Phải tự xét mình, kiểm soát tư tưởng của mình từng ngày, từng giờ, rồi
suy ngẫm về bản ngã, chân ngã. Kinh Veda đã dạy, “ta không phải là xác thân vật
chất này mà là một linh hồn cao quý, trường tồn, một điểm linh quang của Thượng
đế.” Nói khác đi, con người là một linh hồn bất diệt còn thể xác chỉ là một
dụng cụ thô sơ, tạm thời. Người hiểu đạo là người ân cần lo lắng cho linh hồn
hơn là cái xác thân tạm bợ.
Chân lý này giúp cho người tu tránh
các tội ác, các phiền não, vì đa số người đều lầm tưởng mình là xác thân nên lo
lắng, chìu chuộng nó đủ điều. Để cho xác thân được sung sướng họ đã không ngần
ngại giết nhau, làm hại nhau, lừa bịp lẫn nhau, tóm lại tất cả những gì xấu xa,
tồi bại. Nếu ý thức được chân lý này thì ai lại còn vơ vét của cải, vật chất
làm gì, vì các thứ đó đâu có ích lợi gì cho linh hồn.
Người hiểu biết đường đạo ý thức
linh hồn là ta, là người làm chủ, còn xác thân chỉ là con ngựa để ta cưỡi đi
trên đường . Người chưa hiểu biết nhận mình là con ngựa và cố gắng thoả mãn các
nhu cầu của họ. Họ không ý thức mình là tay kỵ mã kiêu hùng bất diệt mà cam
chịu thân phận con vật yếu hèn chịu sự chi phối của thời gian và không gian.
Căn bản đầu tiên của người đi trên đường đạo là ý thức mình, duyệt xét đường đi
của mình để tìm một lối tu thân hợp lý. Kinh Veda lại dạy rằng, “Ta và người
tuy bề ngoài khác biệt nhưng thực sự bên trong lại như nhau, bởi tất cả đều
cùng chung một nguồn gốc mà ra”.
Chân lý này cho thấy chúng ta đều là
hoa trái của một cái cây, cùng chung một gốc, bề ngoài tuy khác, nhưng bề trong
tất cả đều là con của thượng đế. Nếu ý thức được chân lý này thì ai lại còn
giận hờn, oán thù, ghen ghét nhau. Có khi nào tay mặt lại cầm dao chém tay
trái, có khi nào anh em lại thù nghịch hãm hại lẫn nhau. Sự khác biệt giữa con
người là do mức tiến hoá khác nhau qua các kiếp sống. Có khi nào ta thù ghét
một kẻ kém ta đâu ? Suy luận rằng, “vạn vật đồng nhất”, ta sẵn sàng tha thứ cho
kẻ khác, vì họ không hiểu biết, không ý thức hành động của mình, vả lại họ và
ta nào có khác nhau đâu.
Khi hiểu rằng “nhất bổn tám vạn
thù”, ta nhìn vạn vật như chính mình, từ loài người qua loài thú, thảo mộc, kim
thạch, và ý thức rằng mọi vật đều có sự sống, đều có thượng đê ngự ở trong. Ta
sẽ cởi bỏ thành kiến, mở rộng lòng thương đến muôn loài. Người tu là người sống
thuận hoà với mình và mọi người, sống an lạc với vạn vật trong vũ trụ, sống hoà
hợp với thiên nhiên một cách ung dung tự tại.
Đó là con đường tu đứng đắn nhất
theo sự hiểu biết của tôi.
(Một phái tu khổ hạnh: nằm trên bàn chông)
Ram Gopal nhìn mọi người, rồi mỉm
cười :
- Nếu chúng ta tu một thời gian mà
thấy lòng không vui vẻ, phấn khởi, gương mặt không thoải mái, cử chỉ không dịu
dàng, lời nói không ôn tồn, tâm hồn không thương mến thì chắc là ta đã không
sống thuận lẽ đạo. Có lẽ ta đã đi vào tà đạo lúc nào mà không hay. Khi tu hành
mà tâm thần rối loạn, thần trí đảo điên, tham lam, sân hận, oán thù, thì đó là
triệu chứng đã đi lạc đường rồi.
Nếu biết thế phải lập tức kiểm điểm
lại phương pháp tu hành để sửa đổi, và quyết tâm trở lại khởi điểm để bắt đầu
lại con đường đạo. Nếu không làm như thế thì vô phương cứu chữa, cũng như bệnh
đã nhập tâm mà còn mê say luyến tiếc vật chất, không cương quyết dứt bỏ thì làm
sao còn chữa trị được. Này các bạn, giáo lý nào cũng dạy phải thương yêu, tha
thứ và giúp đỡ đồng loại nhưng tại sao xã hội lại không như vậy? Tại sao giữa
cái biết và hành xử lại có sự trái ngược? Phải chăng lòng con người còn ham mê
vật chất, tuy nghe điều hay lẽ thiệt nhưng ta vẫn để đó, tiếp tục làm các điều
càn rỡ.
Người bệnh cũng thế, khi mới mắc
bệnh không lo chạy chữa mà chờ khi mạng sống bị đe doạ mới cuống lên, thuốc gì
cũng uống, ai nói gì cũng làm, cố sao kéo dài đời sống. Tại sao lại có các điểm
tương đồng như thế? Khoa học công nhận rằng ăn uống điều độ, có thể tránh bệnh
tât, nhưng biết rồi để đó, chứ có mấy ai theo? Hình như chúng ta vẫn thèm miếng
ngon, vật lạ dù biết nó là chất độc. Nếu chúng ta chấp nhận tất cả đều là con
của thượng đế, tại sao ta vẫn đâm chém, làm hại lẫn nhau? Nếu chúng ta chấp
nhận các loài cầm thú là đàn em bé bỏng, thì ta phải tránh sát sinh chứ. Tại
sao ta vẫn giết hại "đàn em" qua các bữa ăn thịnh soạn? Phải chăng
miếng ăn, vị béo đã làm ta quên hết rồi? Vấn đề của cải cũng thế, ta biết chúng
chỉ là vật tạm bợ, vô thường, khi chết nào có mang theo được; nhưng thực tế, hễ
đâu có của cải là nơi đó có tranh chấp lẫn nhau.
Hãy nhìn đàn gà trong sân, chúng
đang vui vẻ nô đùa nhưng hễ có ném cho nắm thóc, là có xô xát ngay. Hãy nhìn
bầy chó cùng cha, cùng mẹ âu yếm liếm nhau kia, nhưng chủ ném cho cục xương là
cắn nhau tức thì. Loài người thông minh hơn loài vật nhưng của cải, danh vọng,
vật chất đã làm họ bất hoà có khác chi loài thú? Từ mấy ngàn năm nay, con người
luôn được hướng dẫn bởi các chân lý cao đẹp. Tôn giáo nào cũng dạy những điều
thật tốt lành nhưng tại sao vẫn không thấy có sự tiến bộ? Phải chăng vì chúng
ta chỉ nói chân lý ở đầu môi, chót lưỡi? Ta đến các thánh đường, chùa chiền tôn
nghiêm với y phục sang trọng nhất, các lễ vật đẹp đẽ nhất, đọc thuộc lòng các
lời răn chân chính nhất nhưng chúng ta vẫn làm các điều xấu xa, bỉ ổi nhất. Có
bao giờ các ông nghĩ về những điều này không ?
Mọi
người im lặng nhìn nhau không ai thốt lên lời nào. Ram Gopal mỉm cười :
- Hãy giở Thánh kinh mà xem, đức
Jesus đã dạy, "các người đừng quá lo về y phục hay thức ăn. Đời sống không
quý báu hơn thức ăn, và thân thể không quý báu hơn y phục hay sao? Hãy nhìn
loài chim bay trên trời, chúng không hề gieo cũng không hề gặt, không chứa chấp
thực phẩm trong bồ, nhưng cha của các ngươi trên trời vẫn lo cho chúng chu đáo.
Các người không quý hơn chim muông hay sao?". Lời dạy thật rõ ràng, giản
dị và chắc chắn, các ông đã nghe nói qua nhiều lần rồi, nhưng có lẽ không mấy
người hoàn toàn tin tưởng nên thế giới mới có những cảnh chém giết vì miếng ăn,
manh áo.
(Một đạo sư biểu diễn tự chôn sống mình trong nhiều giờ)
Ram
Gopal im lặng như suy nghĩ một điều gì, sau cùng ông lên tiếng :
- Vì biết rằng của cải, vật chất là
nguồn gốc của tội lỗi, cám dỗ nên tại đạo viện này mọi người chỉ được giữ một
bộ quần áo trên mình và phải đoạn tuyệt với vật chất hoàn toàn. Còn lo giữ của
tức là còn lo mất, quyến luyến vật chất như vậy thì làm sao giải thoát được.
Giữ tiền bạc, của cải hay danh vọng có thể ví như đeo gông vào người, rồi nhẩy
xuống sông, chắc chắn sẽ chìm chứ làm sao bơi lội cho được, phải thế không các
bạn ?
Giaó sư Mortimer lên tiếng :
- Ông nói cũng có lý nhưng không hẳn
tôn giáo nào cũng lánh xa của cải, vật chất. Đôi lúc họ cần những thứ này để
làm các công việc như mua thực phẩm, xây cất thánh đường, đình chùa v..v.. Tiền
bạc có công dụng riêng của nó.
Ram Gopal gật đầu :
- Sử dụng tiền bạc đúng cách là một
vấn đề còn để nó cám dỗ lại là một vấn đề khác. Chính đức Jesus đã dạy,
"kẻ giàu có tu hành chẳng khác con lạc đà chui qua lỗ kim. Một người không
thể thờ hai vua, ngươi thờ Chúa hay thờ tiền bạc". Một người tu hành chân
chính không thể nô lệ bạc tiền dưới bất cứ hình thức nào. Các ông chắc thắc mắc
tại sao tôi cương quyết chủ trương tuyệt sở hữu, gặp nhau hôm nay cũng là một
nhân duyên, tôi xin kể một câu chuyện để các ông hiểu tại sao con đường tu hành
cho rằng tiền bạc, vật chất là trở lực lớn cho người tu:
Câu chuyện
như sau:
(Còn tiếp)
Bài liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét