“Khi ăn uống đúng cách, ta loại bỏ yếu tố gây nên bệnh tật,
và cách tập luyện giúp ta lấy lại quân bình nguyên thuỷ, trở về với con người
thật của mình”.
Ngay
lúc đó bệnh nhân bị đau tim ngửng mặt nói vài câu. Ram Gopal lắc đầu và quay
sang phái đoàn cho biết :
- Bệnh nhân này muốn trở về nhà thu
xếp công việc khoảng vài tháng đến một năm, rồi sau đó mới đến đây chữa bệnh.
Lúc này đang là mùa dệt sợi mà y lại là chủ nhân nhiều hãng dệt. Tôi cho y biết
không chịu chữa trị khó lòng sống qua một tháng nữa.
Giáo
sư Allen kêu lên :
- Nhưng nếu bắt từ bỏ tất cả ngay
thì làm sao y có thể thu xếp kịp ?
- Chữa bệnh không phải việc đi chơi.
Tôi quan sát thần sắc bệnh nhân rất kỹ và thấy y khó sống lắm rồi. Nếu y mê
muội trở về lo thu xếp công việc, thì đầu óc đã lệch lạc lại càng lo âu thêm,
thế nào cũng lên cơn đau tim mà chết. Như các ông thấy điều kiện tiên quyết để
chữa bệnh là trị tận gốc và đây là giây phút quyết định sự sống chết. Chỉ có y
mới tự chữa lấy cho mình mà thôi. Con người phải hiểu biết để đoạn tuyệt với
quá khứ, không thể có lối chữa trị lưng chừng kéo dài thời gian được. Thật ra
khoa học đã làm việc này, kéo dài thêm thời gian rồi bó tay. Đây không phải là
lối chữa của tôi.
Bệnh
nhân đắn đo suy nghĩ một lúc, y ngập ngừng nói vài câu rồi đứng lên bước vội ra
khỏi cửa, không dám nhìn ai. Giây phút quyết định đã trôi qua, Ram Gopal thở
dài rồi gọi một bệnh nhân khác vào. Sau buổi khám bệnh, chỉ có một số chấp nhận
theo lối chữa lạ lùng này, và được các đệ tử của đạo sĩ đưa vào đạo viện.
Ram
Gopal cho phái đoàn biết bệnh nhân chỉ được mang theo một bộ quần áo và tuyệt
đối không được tiếp xúc với ai trong thời gian điều trị. Dĩ nhiên, khi hoàn tất
việc chữa trị, y có thể rời nơi này theo ý muốn. Một số người sau khi vào đây
không từ bỏ được việc đời lại bỏ ra về và số này không phải ít.
Giáo
sư Allen thắc mắc :
- Nhưng sau khi vào đây, họ sẽ phải
làm gì ? Ông chữa trị ra sao ?
- Như các ông đã biết, yếu tố đầu
tiên là cương quyết chữa bệnh cho đến khi tuyệt căn mới thôi. Yếu tố này đòi
hỏi việc xả ly, dứt bỏ tất cả mọi sự. Yếu tố thứ hai là tự mình chữa trị lấy
cho mình vì không ai có thể chữa bệnh cho ai cả. Yếu tố này đòi hỏi việc làm
chủ các cảm giác của mình để chữa bệnh. Tại đây, bệnh nhân ăn rất ít, thời gian
đầu y chỉ uống nước suối và ăn cơm nhạt thôi. Phương pháp này nhắm việc tẩy uế
các chất độc trong cơ thể. Một lý do quan trọng gây nên nhiều chứng bệnh là sự
ăn uống bừa bãi, không tiết độ.
Để giúp cơ thể loại bỏ các độc tố đã
nhiễm từ lâu. Bệnh nhân chỉ ăn thật nhạt nghĩa là không một chút gia vị,
đường... (ghi chú : người Ấn ăn rất nhiều gia vị và rất mặn). Mỗi ngày, bệnh
nhân chỉ ăn một lần trước buổi trưa và uống nước vài lần thôi. Uống ít nước
giúp cho tim đập chậm lại vì dung lượng nước qua tim sẽ ít đi. Tim và thận được
nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể lấy lại quân bình mau chóng, đây là hai cơ quan thiết
yếu giữ các vai trò quan trọng cho việc phục hồi sức khoẻ. Ăn nhạt khiến gan và
dạ dày thải bỏ các độc tố tích tụ trong đó, cứ thế trong khoảng hai tuần lễ là
đa số độc tố đã bị khu trục cả. Nếu muốn các ông cứ thử ăn nhạt ít tuần lễ là
thấy cơ thể đổi khác ngay.
( Lớp học thiền )
Ngoài
việc dưỡng sinh đúng cách, bệnh nhân dành trọn thời giờ tập Thiền, để lấy lại
quân bình cho cơ quan thần kinh, khối óc. Tư thế đầu phải tập là cách ngồi cho
ngay ngắn, lưng thật thẳng để luồng hoả hầu di chuyển không gặp khó khăn. Hai
tay buông thỏng trên đầu gối và thở thật tự nhiên, không cố gắng thái quá.
Trong khi tập tư thế này, không để tâm xao động, lo nghĩ việc gì, phải “vô cầu,
vô niệm” mới là đúng cách. Không sử dụng thần chú hay xin xỏ một đấng thần linh
nào, mà chỉ cần hết sức tự nhiên, theo thời gian bệnh sẽ từ từ thuyên giảm.
Giáo
sư Mortimer thốt lên :
- Chỉ có thế thôi ư ? Như vậy giản
dị quá có khó gì đâu ?
Ram Gopal thản nhiên :
Ram Gopal thản nhiên :
- Dĩ nhiên , nhưng phải làm thật
chuyên cần không gián đoạn trong suốt thời gian tại đây cho đến khi khỏi bệnh.
Mọi người nhìn nhau, họ nghĩ đạo sĩ này phải có một phương pháp gì ghê gớm lắm hoặc sử dụng thuốc men gì đó để chữa trị, chứ phương pháp ông nói thật tầm thường và có vẻ hoang đường khó tin.
Ram Gopal hiểu ý :
- Khi trở về với chính mình, với con
người nguyên thuỷ, hoà hợp với thiên nhiên thì bệnh tật và sức khoẻ chỉ là
những gì tương đối, không còn tranh chấp nữa. Con người thật của ta vốn sẵn có
kia mà, việc gì phải gò bó, khó khăn mới tìm được. Khi dứt bỏ tất cả, ta trút
được một gánh nặng ở tâm hồn. Khi ăn uống đúng cách, ta loại bỏ yếu tố gây nên
bệnh tật, và cách tập luyện giúp ta lấy lại quân bình nguyên thuỷ, trở về với
con người thật của mình, như vậy là “tự mình chữa cho mình”, không ỷ lại vào
một tha lực hay một yếu tố bên ngoài nào hết.
- Nhưng ngoài ra còn phải uống thuốc
men gì nữa chứ ?
Ram Gopal lắc đầu :
- Phương pháp này không sử dụng
thuốc men gì cả, đó là một phương pháp hết sức tự nhiên và khoa học. Dĩ nhiên,
nếu ông chở đến một người bệnh sắp chết hay một kẻ gẫy chân, gẫy tay thì tôi
không thể chữa như thế được. Nói khác đi, nếu một kẻ mắc bệnh thời khí hay các
bệnh thông thường thì họ đã đi kiếm các bác sĩ chữa trị, chứ việc gì phải đến
đây ? Hầu hết các bệnh nhân đến tận rừng hoang núi thẳm này chỉ là những kẻ đã
tuyệt vọng hoặc gặp các chứng nan y mà y sĩ đã bó tay. Các ông nên biết, cơ thể
con người có khả năng làm hồi phục rất nhiệm mầu. Sở dĩ cơ thể suy yếu, bệnh
hoạn, vì họ sống không tự nhiên, có thế thôi. Sống tự nhiên không những giúp
thể xác khang kiện, mà còn mục đích tối hậu là dẹp bỏ cái “phàm ngã” trở về cái
“chân ngã” của mình. Khi từ bỏ được bản ngã thấp hèn thì ta ung dung, tự tại,
thảnh thơi, tiêu diêu cùng trời đất, thiên nhiên, thì còn lo lắng chi nữa ?
Trên lý thuyết thì thật dễ dàng nhưng thực hành lại là cả một vấn đề. Con người
quen sống bừa bãi, nô lệ dục vọng xác thân quá lâu, đến nổi sinh bệnh, rồi muốn
cởi bỏ tất cả đâu có dễ. Quen ăn ngon, mặc đẹp bây giờ ăn vài nắm cơm nhạt,
uống vài gáo nước suối đâu phải ai cũng làm được ngay lập tức. Khốn nổi muốn
trừ tận gốc phải uống thuốc đắng và thuốc đắng chính là lối sống tự nhiên này.
- Nhưng đã có bằng chứng gì về
phương pháp này ? Làm sao biết được nhờ thực hành như trên mà bệnh nhân khỏi
bệnh, kéo dài đời sống ?
Ram Gopal không tỏ vẻ giận dữ về câu
nói bất kính :
- Tôi có hơn ba ngàn môn đệ, tất cả
đều là người mắc bệnh nan y sống tại đây. Đa số đã bị các bệnh viện từ chối, vì
không chữa được nữa. Họ vẫn sống nhiều năm nay, hàng ngày cả trăm người đến xin
gia nhập đạo viện, và chỉ có một thiểu số cương quyết mới được chấp nhận. Đã
thế, nhiều người không qua kỳ thử thách cũng bỏ đi rất nhiều, nhưng trong số
những người ở lại, tất cả đều hết bệnh, tuyệt căn. Các ông nên nhớ tôi không
nhận một thù lao hay đòi hỏi ân huệ gì, tôi cũng không tự xưng một danh vọng,
chức tước nào hết. Đời sống ở đây hoàn toàn tự túc, và kẻ khoẻ mạnh phải lo
trồng tỉa, gặt hái thực phẩm.
Tôi yêu cầu một khi đã dứt bỏ tất
cả, thì hãy bố thí cho người nghèo, hoặc để lại cho con cháu, thân nhân, rồi
đến đây với bộ quần áo trên người. Dù bệnh nhân là tiểu vương gia hay kẻ hành
khất tôi cũng coi như nhau, mục đích của họ là chữa bệnh và chỉ có họ mới có
thể chữa cho mình. Đạo viện được thành lập chỉ để thực hành việc chữa bệnh mà
thôi, chứ không phải một nơi giam cầm hay có tính cách tôn giáo. Muốn gia nhập
phải tuân theo các điều kiện, nhưng muốn rời đây thì tuỳ ý, không hề có sự ngăn
cản.
(Thiền trên núi)
- Nhưng ông có dạy các phương pháp
tập luyện ?
- Đúng thế, và Thiền là một khoa
học, không phải tôn giáo như nhiều người đã hiểu lầm. Ngoài ra tôi chủ trương
một lối tu thân cho những người muốn vào cửa đạo nhưng đây cũng không phải là
một tôn giáo.
- Xin ông vui lòng giải thích phương
pháp tu này.
Ram Gopal mỉm cười :
- Như các ông thấy, phương pháp
dưỡng sinh và tập Thiền có thể giúp con người vượt qua các bệnh tật. Cũng như
thế, phương pháp tu thân sẽ giúp con người vượt qua các trở ngại để tiến vào
cửa đạo. Có rất nhiều phương pháp tu hành tuỳ theo quan niệm cá nhân, hoàn cảnh
xã hội chung quanh, tôn giáo… Nhưng tất cả đều nhắm mục đích chung là giải
thoát.
Tôi không quan niệm một phương pháp
nào mà để mỗi cá nhân tuỳ theo sở thích lựa chọn. Tôi chỉ khuyên họ nên sáng
suốt kiểm soát cách thức tu hành để tránh các sai lầm thông thường. Như các ông
thấy, trên các con tàu lướt sóng ngoài biển khơi bao la, cứ khoảng nửa giờ, vị
thuyền trưởng phải nhìn vào bản đồ, xem địa bàn, đo phương hướng để xác định vị
trí con tàu. Biết mình ở đâu và đi đến đâu là câu hỏi quan trọng của mọi người
trên đường đạo . Công việc tu hành cũng thế, người tu lúc nào cũng phải luôn
luôn tự hỏi về mình, để kịp thời sửa sai các lỗi lầm thông thường vì sai một ly
đi một dặm. Khi con tàu rời bến, một lỗi lầm nhỏ từ khởi điểm có thể làm con
tàu đi xa mục tiêu vài chục hải lý. Đường tu cũng thế, một ý niệm sai lầm có
thể khiến ta đi vào tà đạo lúc nào không hay.
(còn tiếp)
Bài liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét